Phố Wall sắp bước vào mùa báo cáo tài chính tệ nhất trong 12 năm

Phố Wall sắp bước vào mùa báo cáo tài chính tệ nhất trong 12 năm

Mùa báo cáo tài chính tệ nhất trong nhiều năm sắp bắt đầu và có khả năng thị trường chứng khoán Mỹ có thể ngó lơ đà giảm mạnh về lợi nhuận, miễn là các công ty nhận thấy một vài tín hiệu phục hồi trong thời gian tới.

Lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo giảm 44%, quý tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái – thời điểm lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 rớt 67% vào quý 4/2008, theo dữ liệu từ Refinitiv I/B/E/S. Ngoài ra, quý 2/2020 cũng được dự báo là quý hứng chịu tác động nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng Covid-19, đồng thời hé lộ mức độ tác động tới lợi nhuận doanh nghiệp khi nền kinh tế suy giảm hơn 30%.

Các ông lớn tài chính JPMorgan, Bank of America, Goldman Sachs và Wells Fargo nằm trong số các công ty tài chính sắp công bố báo cáo tài chính.

Pepsico sẽ khởi đầu mùa báo cáo vào ngày thứ Hai (13/07) và  Johnson & Johnson, Abbott Labs và Netflix cũng công bố báo cáo trong cùng ngày.

Lĩnh vực tài chính được dự báo giảm hơn 52% về lợi nhuận, theo cuộc thăm dò của Refinitiv.

 “Các công ty Mỹ sắp hé lộ cho chúng ta quý tồi tệ nhất của họ kể từ cuộc Đại Suy thoái”, Lindsey Bell, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ally Invest, nhận định. “Thế nhưng, vì quá nhiều công ty không đưa ra dự báo lợi nhuận, nên nhà đầu tư sẽ không đưa ra động thái dựa trên lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng sẽ xem xét đến các xu hướng kể từ khi quý 2 kết thúc. Sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19, triển vọng từ ban quản lý và thành quả về giá có thể có tác động ngoại cỡ đến nhà đầu tư và khiến thị trường biến động mạnh”.

Chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến giằng co trong tuần trước, có lúc phản ứng với những rủi ro ngày càng tăng khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở một số bang. Tuần trước, Dow Jones tăng 0.96%, trong khi S&P 500 tiến 1.76% và Nasdaq Composite vọt 4.01%.

Trong tuần tới, nhà đầu tư sẽ đón nhận một số báo cáo kinh tế quan trọng, như dữ liệu lạm phát CPI trong ngày 14/07 và doanh số bán lẻ vào ngày 15/07. Tháng trước, doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 17.7%, nhưng tháng này, các chuyên gia kinh tế đang theo dõi sát sao để xem liệu việc ngừng và trì hoãn các biện pháp tái mở cửa kinh tế tại một số bang tác động thế nào đến chi tiêu tiêu dùng.

Thế nhưng, yếu tố thử lửa quan trọng sẽ là triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.

“Theo tôi, điều thực sự quan trọng là nhà lãnh đạo nói gì về triển vọng lợi nhuận, chứ không phải về con số. Nhà đầu tư không quan tâm đến con số. Họ muốn nghe công ty nói gì”, Peter Boockvar, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Bleakley Adivsory Group, nhận định. “Triển vọng lợi nhuận từ các công ty công nghệ sẽ là quan trọng nhất. Các công ty như thiết bị bán dẫn – vốn được sử dụng trong điện thoại, máy tính và xe hơi – là những công ty buộc phải nói triển vọng họ rất tuyệt và do đó cổ phiếu họ xứng đáng với mức giá cao hiện tại”.

Lợi nhuận của nhóm công ty công nghệ được dự báo giảm 8%. Lĩnh vực tệ nhất được cho là năng lượng, với mức giảm dự báo là 154%, kế đó là hàng tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm dự báo là 114%, theo Refinitiv.

Nhiều số liệu thống kê cho thấy tâm lý thận trọng đang cuộn trào bên dưới một đà tăng đã bỏ lại đằng sau mọi thứ ngoại trừ những công ty công nghệ lớn nhất. Các ông lớn công nghệ như Apple và Amazon đã chạm kỷ lục mới, đồng thời giúp S&P 500 chống đỡ tác động tiêu cực từ sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19.

“Đây là một thị trường con bò chưa thực sự được hoan nghênh”, Emily Roland, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, cho hay. “Chắc chắn là sự hoài nghi đang cắm rễ trong tâm trí nhà đầu tư tại thời điểm này và điều đó cũng hợp lý thôi”.

* Đằng sau đà tăng của chứng khoán Mỹ là nỗi sợ hãi dâng trào

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI