Niêm yết cổ phiếu ngân hàng: Chuyện cũ mà mới!

Niêm yết cổ phiếu ngân hàng: Chuyện cũ mà mới!

Dù rằng trong kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ 2020 của hầu hết các ngân hàng chưa lên sàn đều có mục tiêu niêm yết trong năm 2020. Nhưng dịch Covid-19 kéo nền kinh tế trì trệ, dù đã qua hết nửa năm 2020, nhưng các nhà băng vẫn đang gồng mình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, liệu rằng có lỡ hẹn với kế hoạch niêm yết trong năm nay?...

Hồi tháng 08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Trong đó nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Và phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đến cuối tháng 02/2019, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Trong đó, nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTM cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Tính đến 06/07/2020, hiện nay có 13 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó có 10 cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB, TPB) và 3 cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX (ACB, NVB, SHB). Còn trên sàn UPCoM, hiện có 5 cổ phiếu đang giao dịch là LPB, VIB, BAB, KLBVBB.

Điều kiện để tổ chức tín dụng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận niêm yết trên thị trường chứng khoán được quy định tại Thông tư 26/2012/TT-NHNN của NHNN: Có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm, giá trị thực của vốn điều lệ đến thời điểm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định, hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm liền kề, tuân thủ các an toàn hoạt động tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tại thời điểm cuối quý trong 2 quý liền kề…

Do đó, ngay trong kế hoạch các năm gần đây, nhiều ngân hàng liên tục lên chỉ tiêu tăng vốn nhằm bổ sung vốn, bổ sung năng lực tài chính, cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài… nhằm chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết lên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đầu năm 2020 đã làm ngưng trệ toàn bộ mọi dự định tốt đẹp được dự báo trước đó. Hiện nay, các ngân hàng đang phải hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Như vậy, kế hoạch lên sàn của các ngân hàng liệu có thực hiện kịp khi đã gần hết quý 2 trôi qua?

Chưa niêm yết thì lên kế hoạch trong năm

Cuối tháng 11/2019, MSB thông báo đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu 1.175 tỷ cổ phiếu lên HOSE. Nhưng mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT MSB lại trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HOSE do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước những diễn biến bất lợi của thị trường trong quý 1/2020, cổ đông cũng thông qua việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết HOSE và sẽ tái khởi động việc niêm yết trên HOSE vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn. Trong thời gian đó, ĐHĐCĐ ủy quyền cho Hội đồng quản trị MSB chọn thời điểm phù hợp để thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM tùy thuộc diễn biến của thị trường chứng khoán và/hoặc yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Là nhà băng duy nhất đăng ký giao dịch thành công trên UPCoM năm 2019 với mã VBB, ĐHĐCĐ 2020 Vietbank cũng thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2020 khi điều kiện thị trường cho phép.

Đối với các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC đa số đều có kế hoạch sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2020 như SeABank, OCB; hoặc sẽ đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) như SCB, ABBank.

Còn trường hợp NamABank, theo tài liệu Đại hội, do nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng đến tiến độ niêm yết, hiện tại NamABank đã gửi hồ sơ đến VSD để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của NamABank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết chứng khoán. Do đó, HĐQT sẽ trình cổ đông niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của NamABank tại HOSE chậm nhất đến ngày 31/12/2020.

Cổ phiếu BAB của BacABank lại có hướng đi khác khi đã đăng ký lưu ký tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). ĐHĐCĐ BacABank cũng thông qua chủ trương niêm yết toàn bộ lượng cổ phiếu BAB đang lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam và bổ sung, sửa đổi điều lệ của BacABank cho phù hợp với việc niêm yết cổ phiếu của BacABank trên Sở GDCK đã lựa chọn.

Trong khi đó, nhiều nhà băng vẫn chưa có động thái cụ thể cho việc niêm yết trong năm nay như VietABank, SGB, PVComBank…

…Đã niêm yết thì muốn “chuyển nhà”

Trong khi đó, những ngân hàng đã niêm yết trên sàn HNX lại muốn “chuyển nhà” sang HOSE như ACB, SHB.

Chia sẻ về quyết định này, ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra vào ngày 16/06, lãnh đạo ngân hàng ACB cho biết, Chính phủ hiện đã phê duyệt đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam dựa trên cơ sở hợp nhất HOSE và HNX. Trong đó, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn HOSE quản lý, và sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Do đó, việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian”, lãnh đạo ACB nhấn mạnh.

Ngay trong tài liệu họp Đại hội, ACB cũng có nêu rõ “HĐQT nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như: Cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%). VNFIN Lead (12%)… ".

ACB cho rằng việc chuyển sàn còn giúp làm tăng giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông, hơn nữa, chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Tổng Giám đốc ACB – ông Đỗ Minh Toàn cũng cho biết ngay tại Đại hội, lộ trình cụ thể chuyển sàn của ACB sẽ bao gồm 2 bước, “ACB dự kiến chia cổ tức trong tháng 9 và sẽ chuyển sàn trong tháng 11, 12, dự kiến hoàn thành trong năm nay”.

Cùng lý do với ACB, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, một phần nguyên nhân của kế hoạch chuyển sàn của SHB chính là lộ trình sáp nhập các Sở giao dịch Chứng khoán đã được Thủ tướng thông qua. Điều này cùng với việc mong muốn đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường chứng khoán, HĐQT đã quyết định sẽ chủ động chuyển đăng ký niêm yết trên HOSE ngay trong năm nay.

Đồng tình quan điểm của các nhà băng, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho biết thêm, sàn HOSE là sàn giao dịch lớn, lịch sử họat động lâu đời, yêu cầu về niêm yết và hoạt động cũng chặt chẽ hơn, khả năng về huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng thuận lợi hơn. Qua đó, cũng đảm bảo hoạt động minh bạch hơn, kế hoạch sử dụng vốn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán TPHCM vẫn có tiềm năng và phù hợp. Lâu nay một số doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng niêm yết ở sàn HNX cũng là một bước tập dợt quan trọng.

Cùng ý kiến, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết việc chuyển sàn niêm yết từ HNX vào HOSE là điều hợp lý vì dù sao TPHCM vẫn là trung tâm thương mại lớn nhất của cả nước, lịch sử hoạt động lâu đời.

Tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính

Theo xu hướng chung của thị trường, thị giá nhóm cổ phiếu từng được xem là cổ phiếu “vua” cũng đã giảm theo.

Thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng so với VN-IndexHNX-Index

Do đó, hầu hết các ngân hàng đều muốn tăng vốn trước khi niêm yết, nhằm nâng cao năng lực tài chính và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Đơn cử như trong báo cáo gửi cổ đông, LPB cho biết sẽ hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch UPCoM sang niêm yết tại HOSE trong năm nay, nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của Ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế cũng như các khách hàng đang giao dịch; nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu.

Thế nhưng, để có thể thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược, việc cấp bách trước mắt của các nhà băng chính là tăng vốn nhằm giúp nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, áp chuẩn Basel II... Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, năng lực của từng ngân hàng lẫn tác động từ thị trường chung.

Kế hoạch niêm yết của các ngân hàng trong năm 2020

Cát Lam

FILI