Nhà đầu tư cần thận trọng vì vàng là ‘hầm trú ẩn’ nhưng có nhiều biến động

Nhà đầu tư cần thận trọng vì vàng là ‘hầm trú ẩn’ nhưng có nhiều biến động

Giá vàng trong nước và thế giới đã có một tuần tăng mạnh, hiện tại giá vàng trong nước đã vượt mốc 50 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới vượt 1,800 USD/ounce. Giữa lúc tình hình thế giới có nhiều biến động và nhiều nhà đầu tư xem vàng như một kênh trú ẩn an toàn, thì các chuyên gia lại cho rằng nên thận trọng vì kênh đầu tư này có nhiều biến động khó thể lường trước.

Giá vàng trong nước chịu tác động mạnh bởi giá vàng thế giới

Trong tuần qua, giá vàng trong nước tăng mạnh từ 650,000-720,000 đồng/lượng. Trong phiên mở cửa sáng ngày 12/07/2020, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 50.15-50.62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Như vậy, tính chung từ đầu năm, giá vàng SJC đã tăng tới 7.7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 7.98 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương tăng đến 18% so với giá vàng SJC niêm yết ngày 02/01.

Diễn biến giá vàng trong nước từ đầu năm đến nay. Đvt: 1,000 đồng/chỉ
Nguồn: Tygia.vn

Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng tăng thêm hơn 24 USD/ounce trong tuần vừa qua và có thời điểm đã vượt qua 1,810 USD/ounce. So với đầu năm, giá vàng thế giới hiện tại cũng đã tăng khoảng 18%.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đvt: USD/ounce
Nguồn: Tradingview

Lý giải về diễn biến giá vàng tăng đột biến thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho biết, giá vàng thế giới đang ở mức 1,800 USD/ounce và có khả năng vượt mốc này tiến đến mốc 1,850 USD/ounce. Tình hình giá vàng thế giới tác động mạnh đến giá vàng trong nước, làm cho giá vàng trong nước có lúc vượt 50 triệu đồng/lượng, và có thể tiến tới mốc 55 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khi nào giá vàng sẽ tiến đến mức này thì rất khó để biết trước được.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng giá vàng vẫn còn rủi ro có thể đột biến giảm mạnh như đã từng xảy ra vào tháng 3 vừa rồi. Có thể nói, tình hình vàng trong nước, cung cầu vẫn quân bình, không có chuyện thiếu vàng, do đó, giá vàng biến động có thể do ảnh hưởng tình hình giá vàng thế giới .

Trong khi đó, giá vàng thế giới lại đang chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng, số người chết và lây nhiễm trên toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là ở Mỹ, Nam Mỹ, Brazil… sẽ tác động đến giá vàng. Đồng thời, giá trị đồng USD suy giảm vì các chính sách mang tính chất nới lỏng tiền tệ của Mỹ, một khi giá trị đồng USD giảm thì sẽ đẩy giá vàng lên.

Bên cạnh đó, các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục, tình hình chính trị nội bộ của Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ…

“Tất cả những điều này làm cho vàng trở thành “hầm trú ẩn” an toàn cho nhiều nhà đầu tư. Chính vì vậy, giá vàng thế giới đẩy lên mức tiệm cận 1,800 USD/ounce, sẽ gây ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Giá vàng ở Việt Nam tăng mạnh không phải do cung cầu lệch pha, mà do tác động bởi tình hình thế giới”, ông Hiếu nói thêm.

Giá vàng thế giới tăng do dòng tiền từ các định chế tài chính tập trung vào vàng

Cùng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho biết giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới tăng do dịch bệnh Covid-19 bất ổn của Hongkong, Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dần chuyển sang châu Âu, châu Á,… Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố gián tiếp, yếu tố trực tiếp là các định chế tài chính trên thế giới và các ngân hàng Trung ương (NHTW) vẫn tiếp tục tập trung tiền vào vàng.

Ví dụ như 6 tháng đầu năm, số lượng mua vàng của ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư đều tăng, số liệu WGC đã lên đến vài trăm tấn trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ các quỹ đầu tư mua vàng trước đây chỉ tập trung ở Bắc Mỹ, bây giờ tập trung cả ở Bắc Mỹ và châu Âu, Nam Mỹ, châu Á, thậm chí cả định chế ở châu Phi, cho nên dòng tiền đổ vào vàng rất lớn. Tuy nhiên, thường là dòng tiền từ tổ chức, các định chế tài chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ thì không tập trung vào đây, mà chủ yếu tập trung vào kênh an toàn như trái phiếu Chính phủ.

Vàng được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn, nên dòng tiền của các tổ chức tập trung vào đây cũng lớn hơn, đây là một trong những lý do kích cho giá vàng lên. Nhưng cần lưu ý là giá vàng tăng lên thời gian gần đây hơi yếu, thực tế giá vàng đã tăng lên từ 2 năm trước, vào năm 2018. Đợt gần đây giá vàng tiếp tục tăng, nhưng so với giai đoạn trước thì tăng yếu hơn. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng chỉ biến động trong khoảng 150 USD.

Nhu cầu vàng của định chế tài chính, tổ chức, NHTW vẫn còn vì theo khảo sát của Hội đồng vàng thế giới thì hơn 50% các NHTW được khảo sát cho biết không có kế hoạch bán vàng trong vòng 5 năm tới. Chỉ riêng điều này cũng đã hỗ trợ giá vàng khó có thể giảm.

Theo ông Khánh, giá vàng trong dài hạn vẫn ở xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu dòng tiền từ các nơi giảm xuống.

Giá vàng khó quay lại mốc 41-42 triệu đồng/lượng

TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng dự báo, giá vàng từ nay đến cuối năm, ít nhất là đến tháng 11 vẫn mang yếu tố tăng, chưa có yếu tố giảm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang mang tính chất toàn cầu, từ nay đến tháng 11 sẽ có nhiều áp lực và cùng với dịch bệnh Covid-19 gây bất ổn lên nền kinh tế Mỹ. Những yếu tố này tạo cho giá vàng có xu hướng đi lên hơn là                                                                                        giảm.

Do đó, giá vàng từ nay đến cuối năm khó quay lại giai đoạn ổn định trước đây là 41-42 triệu đồng/lượng, mà sẽ xoay quanh mốc 50 triệu đồng/lượng, thậm chí có nhiều yếu tố tăng do sự bất ổn đó.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng vì kênh đầu tư vàng có nhiều biến động, cần cân nhắc. “Về cơ bản giá vàng sẽ vẫn còn biến động do tình hình thế giới, nhất là dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, ông nói.

Cát Lam

FILI