Myanmar: Lĩnh vực xây dựng cần có chính sách hỗ trợ

Myanmar: Lĩnh vực xây dựng cần có chính sách hỗ trợ

Các doanh nghiệp xây dựng tại Myanmar đang kêu gọi nới lỏng các quy định cũng như giảm thuế thông qua hình thức hỗ trợ tài chính để giúp họ khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, The Myanmar Times đưa tin.

Tại phiên họp diễn ra gần đây giữa lĩnh vực xây dựng và Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi, Chủ tịch U Shein Win của Hiệp hội Các doanh nghiệp Xây dựng Myanmar (MCEA) đã đề xuất một số hình thức khác ngoài tiền mặt mà Chính phủ có thể áp dụng để giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà thầu và công ty xây dựng.

Chủ tịch U Shein Win chỉ ra Chính phủ tại những nước khác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thông qua việc áp dụng các chính sách như giảm thuế trước bạ cho người nước ngoài hoặc phối hợp với các ngân hàng để sắp xếp việc cho vay thế chấp rẻ và linh hoạt hơn. Ông nói: “Tại Yangon, có khoảng 15,000 căn hộ biệt lập được xây dựng và 40% trong số đó sẵn sàng để bán cho người nước ngoài. Nếu 6,000 căn này được bán hết thì nền kinh tế sẽ được bổ sung thêm 1.1 tỷ USD”.

Ông U Shei Win nói thêm, thị trường căn hộ biệt lập có tiềm năng thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài nếu các điều kiện để họ được mua và bán nhà thuận lợi hơn. Chẳng hạn, Chính phủ có thể cho phép người mua nhà nước ngoài đặt cọc lên đến 30% giá trị giá căn nhà họ muốn mua thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Myanmar hoặc đưa ra các hình thức thế chấp với lãi suất thấp hơn. Ông U Shei Win cho rằng dòng tiền mặt từ việc đặt cọc trước này có thể giúp các công ty xây dựng hoàn thành các dự án họ đang thực hiện mà không bị thiếu tiền mặt.

Ông U Shein Win cũng cho rằng những nhà đầu tư đã trúng thầu để thực hiện các dự án tại Myanmar cần được hỗ trợ dòng tiền mặt và tiếp cận nguồn vốn vay để đủ vốn hoạt động.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều dự án xây dựng tại Myanmar phải “nằm chờ” do thiếu nguồn tiền mặt, nhu cầu sụt giảm và các lô hàng nhập khẩu vật liệu xây dưng bị trì hoãn. Những hạng mục thiết yếu khác như thang máy, các sản phẩm nhôm và gạch ốp cũng bị hoãn khiến hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bị trì trệ. Trong khi đó, nhiều nhà thầu và kỹ sư hoặc đã rời Myanmar hoặc không thể về nước do những hạn chế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Không những thế, trong khi một số công trình xây dựng bắt đầu hoạt động trở lại tại một số nơi trong nước thì những người trong ngành lo ngại hoạt động này vài tháng tới có thể lại ì ạch do mùa mưa đến, thường rơi vào giai đoạn giữa tháng 6 và tháng 10.

Đáp lại đề xuất đó, Chính phủ cho rằng họ sẽ đảm bảo lĩnh vực xây dựng vẫn hoạt động và được hỗ trợ. Cố vấn Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi cho biết: “Công trình xây dựng không thể tạm dừng do chúng liên quan đến phát triển hạ tầng của đất nước. Chúng tôi cho phép các công trình hoạt động trở lại khi tuân thủ các hướng dẫn về y tế”.

Thứ trưởng Xây dựng U Kyaw Lin cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục có những dự án hạ tầng mới sử dụng vốn Nhà nước và vốn vay nước ngoài, đồng thời phối hợp với lĩnh vực tự nhân để phê duyệt các dự án nhà ở. Ông U Kyaw Lin cho biết Myanmar đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu máy móc và vật liệu xây dưng.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FILI