Nếu dự đoán sai thời điểm thị trường, cái giá phải trả sẽ rất đắt

Nếu dự đoán sai thời điểm thị trường, cái giá phải trả sẽ rất đắt

Đừng cố dự đoán thời điểm thị trường trong năm 2020, vì nếu sai bạn phải trả cái giá rất đắt.

Từ cú sụp 2,997 điểm của Dow Jones cho đến hai phiên tăng 9% của S&P 500, thị trường chứng khoán Mỹ năm 2020 đầy những pha “trêu ngươi” dành cho những những kẻ muốn kiếm lời từ việc xác định thời điểm mua bán (market timer). Chỉ cần vài giờ đến rồi đi, bạn có thể đạt thành quả cao ngất ngưỡng nhưng cũng có thể thua đến phát nản.

Thế nhưng, trong cơn sóng hỗn loạn đến chóng mặt này, đáng lưu ý rằng S&P 500 gần như đi ngang đối với những ai “vững tay chèo” trong vùng biển dữ. Chỉ cần một vài bước đi sai lầm và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Có lẽ, lúc thị trường biến động là thời điểm các nhà quản lý chủ động tỏa sáng, nhưng hậu quả của việc canh sai thời điểm hiếm khi nào lớn hơn lúc này.

Bloomberg cũng dẫn lại một dữ liệu thống kê về hậu quả mà nhà đầu tư phải gánh chịu nếu đứng ngoài thị trường trong những phiên tăng mạnh nhất: Chỉ cần đứng ngoài trong 5 phiên thị trường tăng mạnh nhất, “dân chứng Mỹ” sẽ lỗ đến 30%.

Số liệu thống kê trên nhấn mạnh mối nguy cơ từ việc cố gắng đoán đỉnh thị trường – một điều mà nhà đầu tư thường hay làm trong bối cảnh S&P 500 chững lại ở mức 3,200 điểm, số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và mùa báo cáo tài chính tệ nhất trong 1 thập kỷ sắp bắt đầu. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của Citigroup – hơn 2/3 nhà đầu tư dự báo thị trường có khả năng giảm 20% nhiều hơn là tăng 20%.

“Chúng tôi muốn hành động thật khôn khéo”, Yana Barton, Chuyên gia quản lý quỹ tại Eaton Vance Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Bloomberg TV. “Thế nhưng, vấn đề ở đây là thoát ra thì dễ nhưng vào lại khi nào”.

Nghe có vẻ thận trọng, nhưng cái giá của việc tin vào khả năng lao dốc của thị trường được thể hiện rõ ở nhóm quỹ đầu cơ. Chính sự lưỡng lự về việc gia nhập những lúc thị trường leo dốc là một lý do khiến họ vẫn còn bị tụt lại phía sau “Ngài thị trường”. Trong một ví dụ điển hình nhất cho tới nay, huyền thoại đầu tư Stan Druckenmiller nói rằng ông đã “quá cẩn trọng” và chỉ kiếm được “3% trong khi thị trường leo dốc 40%”.

* Bỏ lỡ đà tăng 40%, cỗ máy kiếm tiền Stanley Druckenmiller cảm thấy bản thân thật ‘xoàng xĩnh’

Nhìn chung, các quỹ đầu cơ tập trung vào cổ phiếu giảm 6.3% trong nửa đầu năm 2020, dựa trên dữ liệu từ Hedge Fund Research. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chỉ giảm 3.1%.

Dù vậy, lời thúc giục cuỗm lấy tiền và chạy nhanh khỏi thị trường cũng là điều dễ hiểu sau khi S&P 500 đã tăng 40% từ đáy tháng 3/2020 với tốc độ tăng nhanh nhất trong 9 thập kỷ qua. Lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo giảm 44% trong quý 2/2020, hàng tỷ đô cho chương trình mua cổ phiếu quỹ đã bị chặn đứng và chiến lược đầu tư vào cổ phiếu hưởng lợi từ việc cách ly tại nhà thịnh hành trở lại. Thế nhưng, dữ liệu kinh tế từ số liệu nhà ở cho đến việc làm ngày càng cải thiện, nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục nâng đỡ thị trường và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết hỗ trợ không giới hạn.

Với chỉ 2% trong tổng số phiên leo dốc của S&P 500 diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, giữa năm 2020 có vẻ như là thời điểm tuyệt vời để cuốn gói về nhà.

Mặt khác, nhìn lại khoảng thời gian qua, để chiến lược xác định thời điểm mua bán hiệu quả trong năm nay, bạn phải có khả năng tiên đoán đến hoàn hảo. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 5% trong 5 phiên, 4 phiên trong số này diễn ra trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, tháng 3 cũng diễn ra 4 trong 5 phiên tăng mạnh nhất, với tổng mức tăng là hơn 900 điểm.

“Chẳng tín hiệu nào cho thấy những phiên đó sẽ là những phiên tăng rất mạnh”, Chris Gaffney, Trưởng bộ phận thị trường thế giới tại TIAA Bank, nhận định. “Nếu bạn nhìn lại, mọi thứ đều rất bất ngờ. Chúng ta có một số đà tăng mạnh nhất diễn ra trong những ngày không ngờ nhất và vì vậy, nếu bạn cố xác định thời điểm mua bán và đoán sai, bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ đà tăng khủng đó”.

Mua thấp bán cao. Đó là chiến lược đầu tư vỡ lòng. Thế nhưng, một sai lầm trong việc xác định thời điểm mua bán có thể dẫn bạn tới những khoản lỗ khổng lồ và đe dọa toàn bộ sự nghiệp. Chốt lời ngay đỉnh có vẻ như là cách để tối đa hóa tỷ suất sinh lợi. Thế nhưng, trong cả thế kỷ qua, S&P 500 đã trải qua 13 thị trường con gấu trước năm 2020, trong mỗi lần bước vào thị trường con gấu, Phố Wall không những lấy lại những gì đã mất và thậm chí còn vượt trung bình khoảng 68% so với đỉnh trước đó.

“Nhà đầu tư luôn hy vọng họ có thể xác định thời điểm mua bán, và hầu hết mọi người cố gắng đoán thị trường dựa trên cảm xúc hơn là logic”, Olivia Engel, Giám đốc đầu tư của State Street Global Advisors, cho hay. “Trải qua vài thập kỷ trong sự nghiệp đầu tư, tôi sẽ cho là việc xác định thời điểm mua bán thực sự rất khó và nếu nó dễ thì có lẽ chúng ta đều đã rất giàu”.

Dù khó đến cách mấy, nhà đầu tư vẫn không ngừng đoán định thị trường. Nhất là phe “gấu” vẫn chưa từ bỏ quan điểm S&P 500 sẽ rớt mạnh, có khả năng về lại đáy tháng 3/2020.

Nếu soi chiếu lịch sử, kịch bản đó có lẽ không diễn ra khi thị trường chứng khoán Mỹ đã đi rất xa trong đà hồi phục hiện tại. Trong suốt 8 chu kỳ thị trường kể từ Thế Chiến II, chỉ có một lần S&P trở về gần mức đáy trước đó, sau 3 tháng hồi phục.

“Bạn không thể mua trong hôm nay và bán trong ngày mai và nghĩ rằng có thể vượt thị trường. Không thể đâu”, Gary Bradshaw, Chuyên gia quản lý danh mục tại Hodges Capital Management ở Dallas, cho hay. “Cách kiếm tiền trong thị trường là mua công ty tốt và nắm giữ”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI