Ký ức còn đọng lại mùa ĐHĐCĐ ‘lịch sử’

Ký ức còn đọng lại mùa ĐHĐCĐ ‘lịch sử’

Thay cho những cơn gió đầu mùa, là cái nóng như đổ lửa của tháng 6 dù cùng với những cơn mưa nặng hạt, vẫn không làm bầu không khí trở nên bớt oi bức, vậy là mùa Đại hội năm nay đã khép lại.

Không phải tháng 3 hay tháng 4, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải lùi lại lịch họp, giai đoạn cao điểm rơi vào cuối tháng 6 - thời hạn cuối cùng mà doanh nghiệp được tổ chức Đại hội. Không chỉ về vấn đề thời gian, Đại hội năm nay đã mang lại những câu chuyện có một không hai.

Hoãn, hoãn và hoãn

Nếu như những năm về trước, việc một doanh nghiệp dời thời gian tổ chức đại hội là vô cùng hi hữu, thì năm nay khi đỉnh của dịch bệnh rơi vào ngay tháng 4, tháng của mùa Đại hội, rất nhiều doanh nghiệp đã xin hoãn.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện hoãn Đại hội nhằm tăng cường phòng chống dịch

Bên cạnh những doanh nghiệp chủ động lùi thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên thì đâu đó vẫn còn doanh nghiệp cố tổ chức cho bằng được, bất chấp nơi tổ chức từ chối cho thuê địa điểm. Điều này đã nhận lại những phản ứng dữ dội, khi đi ngược với khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như xem nhẹ sức khỏe của cổ đông. Sau đó, doanh nghiệp này đã dời thời gian tổ chức đại hội cũng như thực hiện đại hội qua cả hai hình thức là ngoại tuyến và trực tuyến.

Cũng phải nói thêm rằng, đây là năm đầu tiên mà các doanh nghiệp áp dụng hình thức trực tuyến cho Đại hội. Việc đưa công nghệ vào đã hỗ trợ được phần nào những khó khăn khi doanh nghiệp có rất nhiều thứ cần cổ đông thông qua như kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển, kế hoạch chia cổ tức… Tuy nhiên, việc tổ chức Đại hội trực tuyến không hẳn sẽ giúp công ty tiết kiệm khi chi phí có thể lên cả tỷ đồng.

Ngoài việc hoãn Đại hội để chống dịch, vẫn còn những doanh nghiệp phải hoãn Đại hội do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Đáng chú ý, một doanh nghiệp bất động sản dường như đã ‘lường trước’ được điều này khi cho ra quy định sẽ tổ chức Đại hội lần 2 và lần 3 sau 30 phút nếu như lần đại hội trước tổ chức bất thành. Dù không vi phạm chính sách, nhưng việc đề ra kế hoạch như trên đã gợi nên không ít khúc mắc. Kết quả, doanh nghiệp này thực hiện được Đại hội trót lọt sau lần đầu bất thành.

Những quy định mới đến từ Covid-19

Diễn ra ngay trong mùa dịch, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cổ đông đều nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phòng chống. Những quy định mới được ra đời như khoảng cách giữa 2 cổ đông phải đảm bảo đủ 2m, thực hiện kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn tay trước khi vào họp hay việc đặt câu hỏi phải được ghi vào giấy, không trực tiếp phát ngôn để hạn chế tối đa tình trạng lây lan…

ĐHĐCĐ của một doanh nghiệp thực hiện giữ khoảng cách 2m

Bên cạnh những quy định trên, lại còn xảy ra câu chuyện dở khóc dở cười khi một doanh nghiệp bất động sản ra quy định “Chỉ cho phép các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2,000 cổ phần trở lên tham dự Đại hội” với lí do “hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng”. Dĩ nhiên, quyết định này của ban lãnh đạo doanh nghiệp ngay lập tức đã làm dậy sóng dư luận. Không chỉ là phản đối, theo nhiều luật sư, cổ đông thậm chí có thể kiện doanh nghiệp bởi đây là điều trái pháp luật và đi ngược lại nguyên tắc cơ bản trong phát triển thị trường: Cổ đông càng nhỏ càng cần được bảo vệ quyền lợi. Doanh nghiệp này sau đó đã hủy quy định cũ.

Là chủ ‘nhà’ nhưng không được vào cửa?

Thủ tục kiểm tra, chứng minh quyền tham dự Đại hội của cổ đông dường như năm nào cũng có chuyện để nói. Nếu như ở năm trước, doanh nghiệp làm khó cổ đông vì cổ đông không cung cấp được thư mời gốc của doanh nghiệp (dù theo nhiều cổ đông, nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp đã không gửi thư) thì sang năm nay, những thủ tục lại tiếp tục rắc rối.

Dù có thư mời gốc, có giấy ủy quyền, có mộc đỏ thì tại Đại hội của một doanh nghiệp bất động sản, hầu hết các cổ đông tham dự sự kiện bằng hình thức ủy quyền đều đã bị chặn từ ngoài cửa bởi phải cung cấp CMND của người ủy quyền; còn đối với tổ chức ủy quyền cho cá nhân thì phải kèm theo Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp!!! “Cô đi photo CMND của người ủy quyền rồi đưa vào đây để tụi con kẹp lưu hồ sơ.” - một nhân viên ở bộ phận kiểm tra nói với ‘chủ’ của doanh nghiệp mình là một bác gái, tóc nay đã muối tiêu.

Thủ tục kiểm tra tư cách tham dự Đại hội

Không riêng gì doanh nghiệp trên, một doanh nghiệp có tiếng trong hãng hàng không khác cũng yêu cầu cổ đông phải chứng minh được chữ ký nằm trên tờ giấy ủy quyền kia chính là của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đến lúc này, cổ đông cũng chỉ biết ‘khóc ròng’ cứ như là chủ ‘nhà’ đấy nhưng không được vào cửa đâu.

Ngoài ra, mùa Đại hội năm nay vẫn tiếp tục tồn đọng những vấn đề đáng lưu ý xuất phát từ phía Doanh nghiệp như chỉ tổ chức Đại hội cho có, phớt lờ câu hỏi của cổ đông với câu trả lời thờ ơ quen thuộc: “Chúng tôi sẽ trả lời sau bằng văn bản.”

Đây là bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, bàn về những câu chuyện dở khóc dở cười, mắt thấy tai nghe trong mùa Đại hội ‘lịch sử’ vừa qua. Với những dòng tản mạn trên, hy vọng quý đọc giả sẽ có thêm những góc nhìn mới về thị trường chứng khoán, hay có thể tìm thấy được chính mình trong những mẫu chuyện trên.

Như Xuân

FILI