FLC báo lỗ gần 838 tỷ đồng trong quý 2 

FLC báo lỗ gần 838 tỷ đồng trong quý 2 

Con số lỗ hợp nhất trong 2 quý đầu năm 2020 của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) đã lên tới hơn 2,729.3 tỷ đồng. Tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới doanh thu của Công ty trong quý 2.

* FLC tự tin mảng bất động sản sẽ có lãi trong năm 2020 dù lên kế hoạch lỗ hợp nhất

* FLC lỗ ròng hơn 1,100 tỷ trong quý 1

Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 của FLC
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 của FLC

Lỗ nặng nửa đầu năm 2020 

Sau quý 1 thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của FLC tiếp tục gặp khó khăn trong quý 2. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần của FLC giảm tới 47% về còn 1,722.2 tỷ đồng. Theo giải trình từ Công ty, doanh thu trong quý giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Giá vốn trong kỳ (gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, chi phí thuê văn phòng, căn hộ… của mảng hàng không, khách sạn, du lịch) giảm gần 27% so với quý trước song Công ty vẫn chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ gộp hơn 742.5 tỷ đồng.

Quý 2 năm trước, FLC cũng chịu cảnh lỗ gộp song nhờ nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính, Công ty vẫn báo lãi. Quý 2 năm nay, hoạt động tài chính đã không thể là động lực kéo lợi nhuận của FLC đi lên khi giảm mạnh 70% về còn hơn 241.5 tỷ đồng.

Trong kỳ, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Công ty được tiết giảm gần 56% so với quý 2 năm trước, chiếm hơn 171.5 tỷ đồng.

Với biến động hoạt động kinh doanh kể trên, FLC báo lỗ hợp nhất gần 838 tỷ đồng. Lỗ ròng cổ đông công ty mẹ gần 377 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, Công ty lỗ hợp nhất hơn 2,729.3 tỷ đồng, lỗ ròng cổ đông công ty mẹ hơn 1,548 tỷ đồng.

* FLC lên kế hoạch lỗ gần 1,960 tỷ đồng năm 2020

Chứng khoán kinh doanh tăng mạnh

Tại thời điểm cuối tháng 6, khoản mục Chứng khoán kinh doanh của Công ty tăng mạnh lên mức 2,781 tỷ đồng, gấp 16 lần đầu năm. Công ty ghi dự phòng hơn 27 tỷ đồng. Khoản mục này không được thuyết minh trong báo cáo tài chính của Công ty.

Phải thu ngắn hạn giảm nhẹ so với đầu năm vẫn chiếm phần lớn trong tài sản ngắn hạn của Công ty. Hàng tồn kho tại thời điểm này, gấp hơn 2.2 lần so với đầu năm, ở mức 3,488 tỷ đồng, tăng do hàng hóa bất động sản tăng mạnh.

Thuyết minh hàng tồn kho của FLC. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của FLC

Tổng nợ phải trả cuối quý 2 tăng so với đầu năm do nợ ngắn hạn tăng hơn 23%. Chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 74% lên mức 4,568 tỷ đồng.

Trong đó, dù chiếm tỷ trọng không nhiều, khoản phải trả với bên liên quan là CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) tăng mạnh lên 325 tỷ đồng, gấp gần 7 lần số đầu năm.

Khoản phải trả chênh lệch nhiều so với đầu năm chủ yếu thuộc về các đối tượng khác không được Công ty không đưa thuyết minh chi tiết.

Thuyết minh khoản phải trả người bán ngắn hạn của FLC. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 của FLC

Yến Chi

FILI