Dân Mỹ mất hơn 77 triệu USD vì những vụ lừa đảo liên quan tới Covid-19

Dân Mỹ mất hơn 77 triệu USD vì những vụ lừa đảo liên quan tới Covid-19

Theo Ủy ban thương mại liên bang (FTC), người Mỹ đã mất hơn 77 triệu USD do tình trạng lừa đảo liên quan đến Covid-19.

Tuy nhiên, con số đó có khả năng là một sự thống kê chưa đầy đủ trong một phạm vi lừa đảo “chưa có tiền lệ” liên quan đến virus corona, theo John Breyault, phó chủ tịch phụ trách chính sách công, viễn thông và lừa đảo tại National Consumers League, một nhóm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Tôi nghĩ các con số của FTC gần như chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi khi nói đến những tổn thất do lừa đảo gây ra. Chúng tôi biết rằng trong lịch sử, lừa đảo là tội được báo cáo không đầy đủ”, Breyault nói.

Kể từ đầu năm đến nay, những kẻ lừa đảo đã lừa lấy của người tiêu dùng 77.4 triệu USD trong những phi vụ liên quan đến virus corona, theo dữ liệu của FTC tính đến ngày Chủ nhật vừa qua.

Người tiêu dùng đã báo cáo khoảng 62,400 trường hợp. Gần phân nửa trong số đó có liên quan đến tổn thất tài chính. Số tiền bị mất trung bình mỗi vụ là 272 USD.

Những kẻ lừa đảo nhắm vào khoản trợ giúp trị giá hàng tỷ USD thông qua các chương trình mới của liên bang, nhằm hỗ trợ thúc đẩy những cá nhân và doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái do virus corona gây ra.

Những tấm séc kích thích kinh tế

Một trong những mục tiêu chính là các tấm séc kích thích kinh tế do IRS (Tổng vụ thu thuế quốc gia) phát cho dân Mỹ hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Các tờ séc có thể có giá trị lên tới 1,200 USD cho mỗi cá nhân và 2,400 USD cho các cặp vợ chồng, và cộng thêm 500 USD cho mỗi đứa trẻ đủ điều kiện. Khoảng 160 triệu thanh toán với tổng trị giá 269 tỷ USD đã được gửi đi.

Những kẻ lừa đảo đã lừa người Mỹ giao tiền hoặc thông tin cá nhân, dưới chiêu bài là giúp họ nhận séc nhanh hơn.

Những kẻ lừa đảo cũng có thể lợi dụng tin tức Chính phủ liên bang đang xem xét đợt phát séc thứ hai để lừa lấy tiền của những người tiêu dùng không cảnh giác, Breyault nói.

Trợ cấp thất nghiệp

Sự gia tăng lớn trong số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp - nghĩa là sẽ có thêm nguồn tiền liên bang được cấp cho những người Mỹ thất nghiệp này - cũng đã thu hút những kẻ lừa đảo.

Trong một số trường hợp, họ sẽ đóng giả người giúp nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và sau đó đánh cắp thông tin cá nhân.

Theo Bộ Lao động, hơn 31 triệu người Mỹ hiện đang nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp.

Chính quyền liên bang cũng đã phát hiện âm mưu của các nhóm tội phạm quốc tế có tổ chức khi chúng nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp không đúng sự thật, với hy vọng thu được khoản thanh toán hàng tuần từ các bang. Với mức 600 USD/tuần mà Chính phủ liên bang đang trả cho người Mỹ thất nghiệp đến hết tháng 7 thì số tiền chúng thu về quả là không nhỏ.

Trong khi đó, Hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch - một chương trình mới dành cho những người tự làm chủ và các nhà thầu độc lập, cùng với những đối tượng khác, cho phép người lao động tự chứng nhận nhu cầu trợ giúp thất nghiệp - khiến chương trình này dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng hơn, theo tổng thanh tra của Bộ Lao động.

Người Mỹ cũng đã trở thành con mồi của những chiêu trò khác, chẳng hạn như tư vấn hoặc cung cấp các cách điều trị Covid-19 giả và giả vờ đe dọa ngừng cung cấp các tiện ích như điện, nước để moi tiền người tiêu dùng, Breyault nói.

Những kẻ lừa đảo đang xem đây là cơ hội chưa từng có để lợi dụng người tiêu dùng, những người không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn bị ngập trong thông tin về các phương pháp chữa trị hoặc phòng ngừa Covid, không biết đâu là tốt nhất”, ông nói.

Theo FTC, những trường hợp lừa đảo được người tiêu dùng báo cáo phổ biến nhất liên quan đến mua sắm trực tuyến và nghỉ mát.

Tình trạng người bán tăng giá quá mức các sản phẩm đang được nhiều người cần đến như nước rửa tay, thuốc tẩy, khăn lau khử trùng và các sản phẩm tẩy rửa khác có thể gây ra những khiếu nại về mua sắm trực tuyến, trong khi khả năng được hoàn tiền vé máy bay và khách sạn có thể là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại trong chuyện nghỉ mát, Breyault nói.

Nhã Thanh (Theo CNBC)

FILI