Viglacera muốn thoái hết vốn khỏi công ty có khả năng 'không hoạt động liên tục'

Viglacera muốn thoái hết vốn khỏi công ty có khả năng 'không hoạt động liên tục'

HĐQT Tổng Công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC) đã thông qua phương án thoái 100% vốn tại CTCP Bá Hiến (UPCoM: BHV).

Cụ thể, VGC sẽ đấu giá công khai 511,711 cp BHV, chiếm 52.64% vốn điều lệ thực góp của BVH và tương đương giá trị 5.12 tỷ đồng theo mệnh giá. Đây là toàn bộ số cổ phần BHVVGC đang nắm giữ.

Trong khi đó, giá trị vốn góp của VGC tại ngày 31/12/2019 theo chứng thư thẩm định giá của đơn vị kiểm toán phát hành ngày 23/03/2020 là 3.58 tỷ đồng, ứng với 7,000 đồng/cp.

Theo VGC, giá chào bán khởi điểm là 10,000 đồng/cp, cao hơn giá trị sổ sách và cao hơn giá trị định giá theo chứng thư thẩm định giá cổ phiếu của đơn vị kiểm toán phát hành ngày 23/03/2020.

Trong trường hợp trước ngày công bố thông tin, giá tham chiếu của mã cổ phiếu BHV bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán lớn hơn giá khởi điểm chào bán (10,000 đồng/cp), HĐQT VGC sẽ duyệt lại giá chào bán khởi điểm.

Thời gian thực hiện thoái vốn dự kiến hoàn thành trước ngày 15/07/2020.

BHV tiền thân là nhà máy gạch Bá Hiến thuộc Công ty gốm xây dựng Xuân Hòa, trực thuộc Tổng Công ty thủy tinh và gốm xây dựng (nay là VGC). Hiện BHV có vốn điều lệ là 9.72 tỷ đồng.

BHV chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét và máy công cụ, tạo hình kim loại. Trong đó, sản phẩm chính là gạch, ngói từ đất sét nung.

Năm 2019, BHV ghi nhận hơn 27 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% so với năm 2018, đồng thời giá vốn chiếm gần 34 tỷ đồng, cao hơn doanh thu. Do đó, Công ty lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, thị trường gạch ngói và thị trường xây dựng năm 2019 có nhiều thay đổi và giảm sút so với năm 2018, một phần do các công trình xây dựng Nhà nước bắt buộc dùng gạch không nung đòi hỏi Công ty phải thay đổi về cơ cấu và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cũng biến động tăng khiến cho giá thành cũng tăng trong khi giá bán sản phẩm trên thị trường thấp và bị cạnh tranh bởi nhiều đối thủ. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng  được nhu cầu của thị trường dẫn đến hàng sản xuất ra nhưng không bán được bị ứ đọng, tồn kho nhiều.

Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của BHV, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại thời điểm 31/12/2019, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của BHV là gần 58 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 61 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 43 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng số nợ quá hạn chưa thanh toán của Công ty tại thời điểm 31/12/2019 hơn 25 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty này.

Tại ngày 25/10/2019, BHV có 3 cổ đông lớn bao gồm VGC nắm giữ 52.64% vốn (511,711 cp), ông Đinh Quang Huy - Thành viên HĐQT không điều hành BHV nắm giữ 9.83% (95,579 cp) và ông Hàn Quốc Cường nắm 6.04% (58,600 cp).

Khang Di

FILI