Eximbank: Mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC trong năm 2020, xử lý 75 triệu cp STB để thu hồi nợ

Eximbank: Mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC trong năm 2020, xử lý 75 triệu cp STB để thu hồi nợ

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vừa công bố, Eximbank muốn mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020, tập trung xử lý gần 75 triệu cp STB để thu hồi nợ.

Muốn mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế và trích bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC đạt 1,918 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận trước thuế là 1,318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Tổng tài sản đạt 176,000 tỷ đồng, tương đương tăng 5% so với năm 2019. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 147,800 tỷ đồng, tăng 6%. Tập trung xử lý nợ xấu, nợ quá hạn để duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt 122,275 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019, số dư nợ trên đã bao gồm dư nợ vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, Eximbank sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Eximbank cũng sẽ tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC, đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC vào năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của NHNN.

Tập trung xử lý gần 75 triệu cp STB để thu hồi nợ

(*) Năm 2019 Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 nhưng đều bất thành, do đó chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 căn cứ vào phê duyệt của HĐQT tại Nghị quyết 11/2019EIB/NQ-HĐQT ngày 08/01/2019 và Nghị quyết 159/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 11/04/2019.

Theo báo cáo của BKS, hầu hết tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của Eximbank đều tuân thủ theo quy định tại Thông tư 19 và Thông tư 16 ngoại trừ hai chỉ tiêu là tỷ lệ cho vay chứng khoán/tổng nợ và có các khoản tín dụng cấp cho đối tượng hạn chế cấp tín dụng.

Theo báo cáo, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán/tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6.04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.

Ngày 02/10/2019, NHNN cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74.9 triệu cp STB để thu hồi nợ vay theo quy định, do đó năm 2020, Eximbank sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.

Đồng thời, Eximbank hiện đang có 14 khoản vay dư nợ 4.23 tỷ đồng (bao gồm 9 khoản tín chấp dư nợ 0.97 tỷ đồng, 4 khoản thế chấp lãi suất ưu đãi 3.02 tỷ đồng và 1 khoản vay cầm cố 0.24 tỷ đồng) và 335 khoản thẻ tín dụng tín chấp dư nợ 3.56 tỷ đồng cấp cho các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng.

Không chia cổ tức năm 2018 và 2019

Theo tài liệu, TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán. Eximbank đã được NHNN chấp thuận gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với vác trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Và các trái phiếu này đến cuối năm 2018 và 2019 chưa được thanh toán hết. Do đó, Eximbank sẽ trình cổ đông không chia cổ tức cho năm 2018 và năm 2019.

Nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ HĐQT

BKS Eximbank cũng đánh giá trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2019, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi.

Các cuộc họp HĐQT thường xuyên bị kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến chậm quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của Ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank, các vấn đề tổ chức ĐHĐCĐ 2019, yêu cầu của Cơ quan Thanh tra Giám sát,... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Eximbank.

Eximbank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đồng thời trình cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII là 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ VII dự kiến là 3 thành viên.

HĐQT Eximbank sẽ trình ĐHĐCĐ chấp thuận đầu tư dự án số 7 Lê Thị Hồng gấm, quận 1, TPHCM theo phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc và thực hiện phân chia sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật. Thời gian qua, Eximbank đã có văn bản gửi NHNN xin ý kiến về phương thức góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia sản phẩm nhưng NHNN vẫn chưa cho ý kiến. Vì vậy, trong trường hợp NHNN không đồng ý cho Eximbank đầu tư với phương thức trên thì chấp thuận cho đầu tư bằng nguồn vốn của Eximbank, phần diện tích không sử dụng hết sẽ cho thuê theo quy định pháp luật.

Cát Lam 

FILI