ĐHĐCĐ Vietjet: 'Hợp tác với những đối tác lớn nhất thế giới để bay thẳng đến Mỹ'

ĐHĐCĐ Vietjet: 'Hợp tác với những đối tác lớn nhất thế giới để bay thẳng đến Mỹ'

“Sắp tới Vietjet sẽ hợp tác với những đối tác lớn nhất thế giới để tổ chức các chuyến bay thẳng đến Mỹ, từ đó giúp Vietjet cải thiện doanh thu phụ trợ và doanh thu tài chính. Công ty còn rất nhiều dư địa để tập trung khai thác và đa dạng hóa nguồn thu”.

Đó là tiết lộ của Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh, mở đầu cho cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC, Vietjet) sáng ngày 27/06/2020.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vietjet. Ảnh: TK

Đại dịch Covid-19 đột ngột xuất hiện và giáng đòn nặng nề lên cả nền kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không, du lịch. “Thời tiết đại nhiễu động” là cách Giám đốc điều hành Vietjet nói về tình hình của những tháng đầu năm 2020.

"Vietjet đi qua Covid-19 rất nhẹ nhàng vì đã chuẩn bị trước nhiều kịch bản sẵn về dòng tiền, khai thác, rủi ro tỷ giá...”, ông Lưu Đức Khánh cho biết, đồng thời nói thêm Vietjet đã kích hoạt Ủy ban điều hành khẩn nguy vào ngày 23/01, chỉ 3 ngày sau khi Trung Quốc công bố dịch.

Kế hoạch 2020 vẫn có lãi, chia cổ tức 2019 tỷ lệ 50%

Vì Covid-19, tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi và tác động không nhỏ tới túi tiền của người dân. Giữa bối cảnh đó, Vietjet vẫn đặt kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất ở mức 100 tỷ đồng.

Theo phía Vietjet, kế hoạch này không cao hơn kết quả của năm 2019, nhưng phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trong khi đó, Giám đốc Khánh thừa nhận làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 là một thách thức không nhỏ đối với ban điều hành.

Nguồn: Tài liệu họp của Vietjet
Nguồn: Tài liệu

Với mức lãi ròng 4,219 tỷ đồng trong năm 2019, cổ đông Vietjet thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50%.

Ngoài ra, Vietjet cũng thông qua quyết định chi trả cổ tức còn lại của năm 2018 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và dự kiến chi ra hơn 1,354 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức này.

Trước đó, Vietjet đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức tiền mặt năm 2018 với tổng tỷ lệ 30%. Tính chung, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2018 là 55% bằng tiền mặt.

Về kế hoạch chia cổ tức năm 2020, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, bao gồm tỷ lệ chia cổ tức và thời điểm thực hiện.

Nâng đội tàu bay lên 90 chiếc

Vietjet lên kế hoạch nâng đội tàu bay lên 90 chiếc vào cuối năm nay, từ mức 78 chiếc tại cuối năm 2019. Tuy nhiên, hãng hàng không này cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng trưởng đội tàu bay được xây dựng dựa trên giả định mạng bay quốc tế quay trở lại, định hướng phát triển và quy mô kinh doanh của công ty, điều kiện hạ tầng của các sân bay, năng lực đảm bảo khai thác của hãng.

Với kế hoạch nâng lượng tàu bay, Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh cũng chia sẻ: “Chúng tôi muốn triển khai mạng lưới khai thách phủ rộng châu Á, mở rộng đến châu Âu-Mỹ”.

Thảo luận:

Đâu là cơ sở để Vietjet lập ra kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Trên tinh thần là hoạt động có lãi. Lãnh đạo công ty đã từng kinh qua khủng hoảng năm 1997, 2008 và gần đây nhất là 2019-2020.

Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại ĐHĐCĐ 2020. Ảnh: Vietjet.

Kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng được xây dựng dựa trên nền tảng và nguồn lực mà Vietjet đã tích lũy trong thời gian vừa qua, như hệ thống quản trị hệ thống vận hành, quản trị rủi ro và nguồn lực tài chính.

Vốn điều lệ của Công ty chỉ hơn 5,000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu lớn hơn gấp 3 lần. Vietjet luôn duy trì lượng tiền mặt dự trữ luôn ở mức cao, khoảng 200-300 triệu USD tiền mặt. Các chỉ số sức khỏe tài chính luôn nằm trong nhóm hãng hàng không tốt nhất thế giới. Chẳng hạn, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0.69% lần. Trong khi đó, hệ số này trên thế giới thường là 3-5 lần, mức 3 đã là mức tốt.

Cơ sở cũng đến từ những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ - vốn đã được triển khai và phản ánh vào kết quả của các hãng hàng không. Chẳng hạn như miễn giảm, hoán đổi thuế phí trong năm 2020. Các hãng hàng không và bộ giao thông đã có kiến nghị cụ thể để tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không.

Bắt đầu từ tháng 7/2020, tần suất các chuyến bay vận chuyển nội địa sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về thị trường quốc tế, Vietjet đang phối hợp với các cơ quan để cố gắng mở lại các đường bay quốc tế sớm nhất.

Tình hình tài chính của Vietjet như thế nào?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Kết quả cho đến hết quý 1/2020 phải nói là rất tích cực, khả quan. Dự kiến kết quả quý 2/2020 của Vietjet sẽ còn tốt hơn nữa.

Trong năm tới, dư địa của mảng doanh thu phụ trợ này như thế nào? Lợi nhuận của mảng này ra sao?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Doanh thu phụ trợ không phát sinh thêm chi phí vận hành khai thác nhưng mang lại doanh thu cho công ty. Năm 2018, doanh thu phụ trợ của Vietjet đạt 25%, năm 2019 lên đến 30% tổng doanh thu. Trong năm 2020, công ty triển khai thêm mảng kinh doanh cho doanh thu phụ trợ như mảng vận chuyển hàng hóa nội địa. Bên cạnh những chuyến bay chuyên chở hành khách, Vietjet cũng sẽ có các chuyến bay vận chuyển hàng hóa.

Mảng vận chuyển hàng hóa quốc tế vẫn được thực hiện trong đại dịch và tăng cường đến tất cả khu vực trên thế giới. Đây sẽ là nguồn bổ sung doanh thu phụ trợ của Vietjet. Chúng ta bắt đầu triển khai phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài và cũng có kế hoạch triển khai ở các sân bay khác.

Thị trường hàng không Việt Nam sau dịch Covid-19?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngành hàng không Việt Nam đã hoàn toàn khôi phục các mạng lưới bay nội địa, với tần suất cao hơn trước đại dịch. Vietjet cũng thực hiện các chuyến bay riêng để chuyển chở hàng hóa.

Vietjet nhận thấy một số động thái quản lý khẩn trương từ phía Nhà nước về ngành hàng không: Tạm dừng cấp phép cho các hãng hàng không mới; thúc đẩy tiến độ đầu tư một số dự án như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; và thực hiện một số chương trình kiểm soát đại dịch tạo điều kiện cho ngành hàng không Việt Nam phát triển.

Với những động thái khẩn trương từ Chính phủ, ngành hàng không Việt Nam có cơ sở để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới với những kết quả và triển vọng nằm trong nhóm các nước có khả năng quản lý điều hành ngành hàng không tốt nhất trên thế giới.

Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, nhiều hãng hàng không trên thế giới lâm vào tình trạng khó khăn và phá sản. Dù vậy, Việt Nam sở hữu thị trường nội địa phát triển và nhiều tiềm năng.

Tiến độ bàn giao tàu bay Boeing 737?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Vấn đề sản xuất máy bay của Boeing là vấn đề của cả thế giới chứ không riêng gì Vietjet. Hoạt động sản xuất của Boeing bị gián đoạn nghiêm trọng vì dịch Covid-19 ảnh hướng đến chuỗi cung ứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Về kế hoạch tàu bay, các hãng hàng không khác đang có kế hoạch hoãn và dừng nhận tàu bay. Trong khi đó, chúng tôi đang thương lượng với Airbus để nhận được tàu bay trong thời gian này vì Vietjet có năng lực để thực hiện.

Đây là giai đoạn thuận lợi để Vietjet mua và sở hữu tàu bay chất lượng tốt và có điều kiện thương mại tốt. Với những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi hy vọng sẽ có điều kiện để phát triển đội tàu bay nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển tương lai.

Công ty đã triển khai việc gì để cải thiện chất lượng hoạt động?

Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo: Công ty có tiến hành tham gia vào việc đầu tư mua nhiên liệu bay trong giai đoạn giá nhiên liệu giảm mạnh. Chi phí vận hành khai thác có khả năng giảm nhờ dự trữ dầu trước đó. Ngoài ra, Vietjet còn tham gia vào hoạt động hedging.

Vũ Hạo

FILI