ĐHĐCĐ Masan Resources: Chi 41 triệu Euro mua lại H.C.Starck, kỳ vọng mang về gấp đôi doanh thu hiện tại

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Masan Resources: Chi 41 triệu Euro mua lại H.C.Starck, kỳ vọng mang về gấp đôi doanh thu hiện tại

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, UPCoM: MSR) đã diễn ra chiều ngày 29/06/2020. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020, dự kiến đổi tên mới và huy động thêm vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ... đều được ĐHĐCĐ thông qua.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua. 

Thảo luận:

Những phúc lợi nào Công ty mang lại mà cổ đông có thể thấy được sau thương vụ mua lại H.C.Starck?

Sau thương vụ mua lại, MSR có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn. MSR có thể cho cổ đông thấy mức tăng doanh thu lợi nhuận lớn hơn nhiều năm 2019. Công ty sẽ bán sản phẩm ra thị trường nhiều hơn, theo đó chiếm thị phần nhiều hơn.

Công ty đã chi ra bao nhiêu cho thương vụ mua lại H.C.Starck? Liệu Công ty có thể thực hiện được doanh thu như đã đề ra?

41 triệu Euro là con số MSR đã bỏ ra cho thương vụ mua lại H.C.Starck. Với việc mua lại này, MSR dự kiến sẽ có gấp đôi doanh thu so với hiện tại. Công ty chưa thực sự chắn chắn về con số ước tính do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, với con số 8,000 tỷ doanh thu thì MSR khá tự tin

Điều gì tích cực từ dịch Covid-19 mang lại?

Nhiều quốc gia sau khi hồi phục hậu dịch Covid-19, họ vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm của MSR. Hàng tồn kho của họ đang giảm dần và đó là cơ hội của MSR.

Doanh thu và lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ dịch Covid-19?

Đóng cửa kinh doanh không phải là một biện pháp lâu dài, nền kinh tế sẽ dần hồi phục trở lại. Kế hoạch năm 2020 vẫn có thể thực hiện được. Điều đó phụ thuộc vào diễn biến vào tình hình dịch Covid-19 và cách ứng xử của chúng ta.

Việc khai khoáng dưới lòng đất sẽ chiếm bao nhiều tiền?

Với sản lượng đang có ở Núi Pháo, MSR vẫn lên kế hoạch khai thác, có thể cần thêm 1-2 năm nữa. Phía Công ty kỳ vọng khai thác cho phù hợp, hạn chế khai thác sâu dưới lòng đất.

Với những nguyên vật liệu mà MSR chưa có sẵn, Công ty lên kế hoạch tìm kiếm cả ở Việt Nam và trên thế giới để có thể khai thác và cung cấp đa dạng, đảm bảo nhu cầu của khách hàng.

Tổng Giám đốc Craig Richard Bradshaw phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của MSR được tổ chức chiều ngày 29/06/2020.

Phát biểu vào đầu Đại hội, ông Craig Richard Bradshaw - Tổng giám đốc - nhắc lại diễn biến chiến tranh thương mại trong năm 2019 đã gây ra khó khăn đối với nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực nguyên liệu, bao gồm Vonfram. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020 đã càng gây ra nhiều khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, MSR đã tìm ra hướng giải quyết và ngay lúc này đã quyết định “Go global” (vươn ra toàn cầu) sau khi mua lại thành công nền tảng Vonfram của H.C.Starch. 

"Tính đến nay, MSR đã sở hữu tổ hợp chế biến tại Đức, Canada, Trung Quốc. Khi có những cơ sở này, Công ty có nhiều cơ hội hơn để mở rộng danh mục sản phẩm công nghệ cao, nhằm phục vụ các ngành công nghiệp như: Hàng không, quốc phòng, hàng không vũ trụ, hóa chất, khai khoáng, xây dựng, robot, năng lượng, ô tô…", ông Craig Richard Bradshaw chia sẻ thêm.

Hiện nay, các nhà sản suất công nghiệp hạ nguồn (downstream) đang nhanh chóng thay đổi chiến lược thu mua sang chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm giảm thiếu rủi ro nguồn cung ứng vật liệu quan trọng như Vonfram và Florit. Theo thông tin công bố từ MSR, Việt Nam đang chiếm 28% thị phần xuất khẩu Vonfram (sau Trung Quốc chiếm 72%) và 19% thị phần xuất khẩu Fforit (sau Mexico chiếm 35%).

Kế hoạch doanh thu 8,000-9,000 tỷ đồng

MSR đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 8,000-9,000 tỷ đồng, tăng tối thiểu 70% so với năm 2019; lãi ròng dự kiến đạt từ 200-500 tỷ đồng, tương ứng giảm 57% hoặc tăng 42% so với cùng kỳ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của MSR
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của MSR

Tính đến ngày 31/12/2019, lợi nhuận chưa phân phối của MSR là 2,727 tỷ đồng. Công ty dự kiến không chia cổ tức năm 2019.

Ngay trước thềm cuộc họp thường niên, ngày 19/06/2020, MSR thông báo đã hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck. Ban lãnh đạo cho rằng giao dịch này là bước đi chiến lược nhằm đưa MSR trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt. Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên gấp 3.5 lần, từ 1.3 tỷ USD lên 4.6 tỷ USD.

Trước đó vào tháng 9/2019, thông qua công ty con là Công ty TNHH Vonfram Masan, MSR đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C. Starck - nhà chế tạo các sản phẩm Vonfram công nghệ cao "midstream" như bột kim loại Vonfram và Vonfram các-bua.

Tại Đại hội lần này, HĐQT sẽ trình cổ đông chấp thuận việc thay đổi tên công ty thành CTCP Masan High-Tech Materials.

Muốn tăng vốn lên mức 9,892 tỷ đồng

MSR có kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ với mệnh giá 10,000 đồng/cp trong một hoặc nhiều lần. Thời gian thực hiện trong năm nay hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2021. Số lượng cổ phần phát hành tối đa 9.99% tổng số cổ phiếu MSR đang lưu hành. Nếu phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của MSR sẽ tăng thêm hơn 899 tỷ đồng, lên mức 9,892 tỷ đồng.

Giá phát hành dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất (của MSR). Ngoài ra, MSR sẽ không chào bán cho bất cứ tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty trong đợt chào bán.

Ông Nguyễn Đăng Quang rời HĐQT của MSR

HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đăng Quang (đã gửi đơn từ nhiệm vào cuối năm 2019). Như vậy, số lượng thành viên HĐQT cho phần còn lại nhiệm kỳ 2016-2021 là 4 người.

Ông Nguyễn Đăng Quang hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), đơn vị đang sở hữu cổ phần chi phối tại MSR. Mới đây, vị tỷ phú cũng vừa rời chức Tổng Giám đốc tại Tập đoàn Masan, người được bổ nhiệm thay thế không ai khác chính là ông Danny Le (Chủ tịch của MSR).

Xuân Nghĩa

FILI