ĐHĐCĐ KDF: KIDO muốn đứng thứ hai ngành bánh kẹo trong vòng 2 năm, giới thiệu liên doanh nước giải khát cùng Vinamilk

ĐHĐCĐ KDF: KIDO muốn đứng thứ hai ngành bánh kẹo trong vòng 2 năm, giới thiệu liên doanh nước giải khát cùng Vinamilk

Tại Đại hội lần này, Phó Chủ tịch KDF Trần Lệ Nguyên và các cộng sự dành nhiều thời gian để trình bày chiến lược phát triển của toàn tập đoàn KDC, đơn vị mà KDF sẽ sáp nhập vào trong năm 2020.

Sáng ngày 09/06, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (HOSE: KDF) đã diễn ra. Vào thời điểm khai mạc (9h), Đại hội có sự tham dự của 191 cổ đông, đại diện cho gần 42 triệu cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu 77.5% KDF.

Tâm điểm của cuộc họp lần này là kế hoạch sáp nhập KDF vào Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) thông qua phương án hoán đổi cổ phần với tỷ lệ 1 cổ phiếu KDF đổi 1.3 cổ phiếu KDC.

Thực tế, tỷ lệ hoán đổi KDF:KDC do Tổng Giám đốc đề xuất là 1:1.2, còn tỷ lệ hoán đổi xác định theo giá thị trường và kế hoạch trả cổ tức là 1:1.19. Tuy nhiên, đại điện CTCK Rồng Việt (VDSC, đơn vị tư vấn cho thương vụ sáp nhập lần này) cho biết, phía HĐQT KDC muốn chia sẻ thêm với các cổ đông KDF một phần thặng dư, nhằm bù lại khoảng thời gian dài nắm giữ cổ phiếu, nên tỷ lệ thống nhất cuối cùng là 1:1.3.

Cổ phiếu KDCKDF có những bước tăng giá ấn tượng trong thời gian gần đây. Kể từ đầu tháng 4 đến nay, KDF đã tăng gần 42%, trong khi KDC tăng đến 134%.

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Trần Lệ Nguyên cho biết KDF là công ty đầu tiên sáp nhập vào KDC. Lộ trình sắp tới sẽ có thêm Dầu Tường An (TAC) và Vocarimex (VOC) sáp nhập vào KDC trong năm nay. Đối với VOC, sau khi Nhà nước thoái vốn 36%, KDC sẽ triển khai thủ tục hoán đổi để sáp nhập.

Lộ trình sáp nhập KDF vào KDC, được trình bày bởi VDSC. Nguồn: VDSC

Theo phía KDF, Công ty trở thành doanh nghiệp đại chúng gần 3 năm nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra, khi doanh thu và sản lượng không tăng dù lợi nhuận vẫn tăng trưởng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDF cũng có thanh khoản ở mức thấp.

Dù đang nắm giữ hơn 41% thị phần ngành kem Việt Nam, nhưng việc không đủ nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là giữa bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế, khiến KDF ra quyết định phải sáp nhập vào KDC.

KDC là đơn vị có nguồn lực tài chính mạnh, đủ để hỗ trợ cho KDF có thể phát triển trong tương lai”, đại diện KDC chia sẻ.

Tương lai của KDC

Tại Đại hội lần này, một lượng lớn thời gian được dành để trình bày về toàn bộ kế hoạch, chiến lược phát triển của toàn tập đoàn KDC.

Nguồn: KDF, KDC
Nguồn: KDF, KDC

Hình màu xanh trên biểu đồ trình bày là những ngành hàng mới mà KDC chuẩn bị tham gia và cả những hành đang phát triển. Nguồn: Phần trình bày của đại diện KDC tại Đại hội.

Ngành dầu của KDC bao gồm VOC, TAC và Golden Hope tổng thể đang đứng thứ hai tại Việt Nam. Ngành dầu trong 5 tháng đầu năm 2020 có mức tăng trưởng doanh thu 20% và biên lãi gộp được cải thiện.

Đối với ngành thực phẩm ăn nhanh (snacking), trong đó có bánh kẹo, nhiều bên đang mong muốn KDC sẽ trở lại ngành cốt lõi làm nên thành công trong quá khứ, đại diện KDC chia sẻ. Mức tăng trưởng hàng năm của ngành này là 8-10%. Phía KDC cho biết đang xem xét khởi động ngành hàng này từ quý 3/2020 và mục tiêu “2 năm sau sẽ trở về vị trí thứ hai của ngành bánh kẹo”.

KDCVinamilk thành lập liên doanh nước giải khát

Liên doanh giữa hai ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng được lấy tên Vibev, viết tắt của Vietnam Beverage.

Ngành nước giải khát có quy mô gần 124 ngàn tỷ đồng trong năm 2019, tốc độ tăng  trưởng 8.4%, là một thị trường màu mỡ để khai thác dành cho KDCVNM. “Càng ngày KDC sẽ tham gia vào những ngành thiết yếu và quy mô lớn hơn”, đại diện KDC chia sẻ.

Lợi thế mà liên doanh ViBev thừa hưởng sẽ bao gồm thương hiệu, hệ thống phân phối, năng lực sản xuất, logistics, khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm,... của cả KDCVNM.

Nếu 1 điểm bán tiêu thụ 1 chai nước thì 1 ngày có thể tiêu thụ được 1 triệu sản phẩm ViBev”, đại diện KDC nhấn mạnh khi đề cập đến lợi thế về sự cộng hưởng kênh phân phối.

Nguồn: KDC
Hình ảnh chia sẻ đầu tiên về sản phẩm của liên doanh Vibev. Nguồn: KDC
Những sản phẩm dùng thử được phía KDC gửi đến cổ đông tại cuộc họp thường niên KDF ngày 09/06.

Miếng bánh ngành kem ngày càng cạnh tranh

Trở lại với ngành kem, KDF đang đối diện sự cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm ăn vặt tràn ngập thị trường, khiến thị phần bị tác động. Thêm vào đó, sự xâm nhập của các thương hiệu kem nước ngoài và việc giá sữa nguyên liệu tăng cũng đặt ra những thách thức lớn cho KDF.

Ngành thực phẩm lạnh của KDF cũng chịu ảnh hưởng khi giá thịt heo tăng mạnh.

Với ngành sữa chua, Công ty dự kiến sẽ rút khỏi mảng sữa chua Chill và thúc đẩy việc kinh doanh sữa chua đông lạnh.

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng e ngại ra ngoài, hành vi mua sắm thay đổi, KDF lên kế hoạch chuyển dịch kênh phân phối. Theo đó, Công ty sẽ đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, thông qua việc chuyển các tủ kem đến gần hơn với khu dân cư.

KDF cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ chi phí, đảm bảo cung ứng và đẩy mạnh bán hàng ngay trong mùa dịch. Nhìn chung, hãng kem có thị phần lớn nhất nước dự kiến tập trung nhiều hơn vào phân khúc sản phẩm cao cấp tại mảng kem và mảng sữa chua.

Liên quan đến liên doanh mới ViBev, từ tháng 6/2020, KDF sẽ trình làng nhiều sản phẩm mới kết hợp với đối tác Vinamilk.

Cho năm 2020, ĐHĐCĐ KDF thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 1.6 ngàn tỷ đồng và lãi trước thuế 200 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cũng dự kiến chi trả một đợt cổ tức đặc biệt 3,000 đồng/cp (tỷ lệ 30%) trước thời điểm KDF chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV. Việc chốt danh sách trả cổ tức đặc biệt sẽ được thực hiện cùng lúc với việc chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu sáp nhập KDF vào KDC.

Đại hội lần này cũng là thời điểm bầu mới HĐQT KDF cho nhiệm kỳ 2020-2025, với ứng viên trúng cử là các ông Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên, Trần Quốc Nguyên, Nguyễn Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Thanh Vân. Dù vậy, KDF cũng sẽ sớm được sáp nhập vào KDC và tiếp tục hoạt động theo hình thức Công ty TNHH MTV.

Thừa Vân

FILI