ĐHĐCĐ GMC: Dự kiến lỗ 7.3 tỷ trong quý 2 và lỗ 12.6 tỷ đồng trong quý 3

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ GMC: Dự kiến lỗ 7.3 tỷ trong quý 2 và lỗ 12.6 tỷ đồng trong quý 3

Sáng ngày 24/06/2020, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã diễn ra. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020, dự kiến vay ngân hàng đề tài trợ vốn hoạt động... đều được ĐHĐCĐ thông qua.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Thảo luận:

Cơ sở để GMC chi trả cổ tức là 12%, thấp hơn so với các năm trước?

Ông Bùi Tuấn Ngọc: Tỷ lệ trả cổ tức là 12% là tỷ lệ mà chúng ta cần phải cân nhắc. Tại sao chúng tôi không chia cổ tức nhiều? Tỷ lệ cổ tức đó có xứng đáng hay chưa?

Thứ nhất, 12% đó tốt hơn là gửi tiết kiệm nên nhiệm vụ của chúng tôi không phải ngồi đây để trả cổ tức bằng mức tiết kiệm. Vừa rồi, GMC có phát hành trái phiếu chuyển đổi, số lượng tiền đi vào của Công ty tăng, lúc đó GMC cải thiện được dòng tiền để đảm bảo hệ số thanh toán lúc nào cũng ở mức an toàn.

Rất nhiều cổ đông nhỏ từ chối quyền góp thêm nên cuối cùng chúng tôi phải góp thêm. Nếu năm 2020 đã khó khăn như thế, GMC không thể duy trì cổ tức ngang với các năm trước. Không chia cổ tức thì tiền nằm ở Công ty chứ cũng không chạy đi đâu được. Cá nhân tôi là Chủ tịch, tôi không có một người thân nào ở Công ty này, tất cả đều là hiện hữu bao nhiêu năm nay. Tôi tin tưởng vào hệ thống của GMC

Kết quả kinh doanh quý 1/2020 đã đạt 370 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31 tỷ đồng nhưng Công ty lại đặt kế hoạch lãi chỉ đạt 23 tỷ đồng. Phải chăng Công ty đặt kế hoạch lỗ trong các quý tiếp theo?

Theo kế hoạch kinh doanh của Công ty, quý 2 dự kiến lỗ 7.3 tỷ đồng, quý 3 lỗ 12.6 tỷ đồng và quý 4 sẽ có lời 13 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đơn hàng của Colombia bên GMC hầu như không có. GMC phải đi tìm kiếm thị trường mới. Hiện tại, nếu không có đơn hàng thì dây chuyền bên Tân Mỹ với toàn bộ 9 truyền may và 600 lao động sẽ ngồi chơi.

Về nhà máy Quảng Nam, toàn bộ 100% năng lực là ở Colombia. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, nên khách hàng bên Columbia cũng chưa có đơn hàng rõ ràng cho GMC. Hiện tại đang là tháng 6, nhưng kế hoạch tháng 9-12 hoàn toàn không có.

Do đó, giữa tháng 6 này, nhà máy Quảng Nam nếu không có đơn hàng mới, toàn bộ nhân việc phải đứng truyền trong khi chi phí nhân công thì Công ty vẫn phải chi trả. Do đó mà Công ty đặt kế hoạch quý 2 và quý 3 lỗ.

Nói rõ hơn về kế hoạch Công ty vay 1,200 tỷ đồng trong năm 2020?

Đa số các cổ đông lớn đều nằm ở HĐQT nên việc vay 1,200 tỷ đồng, GMC hoàn toàn có thể kiểm soát được hạn mức.  

Cơ cấu doanh thu cụ thể của từng nhóm khách hàng năm 2019?

Thị trường Châu Âu chiếm 31% doanh số, thị trường Mỹ chiếm 49.38%, thị trường Nhật chiếm 4.22% doanh số và còn lại là một số thị trường khác.

ĐHĐCĐ GMC diễn ra sáng ngày 24/06/2020

Ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch HĐQT GMC chia sẻ đầu Đại hội: “Về đặt hàng, năm 2020 các khách hàng lớn đều gặp những vấn đề lớn khiến cho Công ty cũng bị ảnh hưởng theo. Đối thủ của chúng ta là Tập đoàn Dệt may Việt Nam có vốn điều lệ 5,000 tỷ đồng nhưng họ cũng chỉ đặt kế hoạch 130 tỷ đồng. Trong khi đó, GMC có vốn điều lệ hơn 267 tỷ đồng thì việc đặt kế hoạch lãi trước thuế 23 tỷ đồng là hợp lý trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19”.

Kế hoạch lãi 2020 “lao dốc” 83%

GMC đưa ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 20%/năm cho giai đoạn phát triển 5 năm (2020-2024), đến năm 2024 đạt mức doanh thu trên 200 triệu USD, 150 chuyền may, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Công ty.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và chuỗi cung ứng nói riêng. Vì vậy, tùy theo tình hình thực tế HĐQT Công ty sẽ quyết định điều chỉnh kế hoạch ngắn hạn trong năm 2020 nhưng sẽ tạo bước ổn định, đón đầu và tìm kiếm cơ hội phát triển cho những năm tiếp theo.

Trong năm 2020, GMC lên kế hoạch doanh thu đạt 1,300 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 23 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 83% so với thực hiện năm trước.

Được biết, các năm trước đó, GMC đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thấp nên kết quả thực hiện luôn vượt kế hoạch đề ra.

Kế hoạch và thực hiện lãi trước thuế của GMC qua các năm gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance, Tài liệu ĐHĐCĐ 2020 của GMC

Theo GMC, các hiệp định CPTPP đã được ký kết trước đã mở ra con đường hội nhập cho các doanh nghiệp Việt Nam, là bàn đạp cho ngành dệt may phát triển ra thị trường thế giới.

Tháng 6/2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết hiệp định EVFTA và IPA. Đây hứa hẹn sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc xuất xứ của các Hiệp định Quốc tế từ sợi, vải, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng. Nguồn nguyên liệu, phụ liệu của các doanh nghiệp may mặc chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc chưa đáp ứng nguyên tắc của Hiệp định. Bên cạnh đó, GMC cũng đang đối mặt với áp lực từ các yếu tố như tăng lương tối thiểu, cạnh tranh về giá, về mẫu mã và chất lượng có xu hướng diễn ra gay gắt hơn.

Trước những dự báo đó, GMC cũng đưa ra những chiến lược cho năm 2020 như xây dựng Trung tâm phát triển mẫu để đẩy mạnh khâu thiết kế, từng bước chuyển đổi sang phương thức bán hàng ODM.

GMC sẽ phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu kịp thời, chất lượng với giá cả cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để tận dụng những lợi thế ác Hiệp định thương mại.

Bên cạnh đó, GMC cũng lên kế hoạch cải tiến, hoàn thiện hệ thống chất lượng, mô hình Lean, 5S, tăng năng suất – chất lượng sản phẩm.

Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức

HĐQT GMC dự kiến sẽ phát hành hơn 3 triệu cp để trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông theo tỷ lệ 12%, tương đương với giá trị 32 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2019.

GMC cũng dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5%.

Ngoài ra, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ ngân sách đầu tư cho năm 2020. Cụ thể, GMC sẽ đầu tư 300 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư tăng năng lực sản xuất và vay ngân hàng để tài trợ vốn hoạt động 1,200 tỷ đồng.

Tiên Tiên

FILI