Dầu vọt hơn 3% lên cao nhất trong 3 tháng

Dầu vọt hơn 3% lên cao nhất trong 3 tháng

Các hợp đồng dầu thô tương lai nhảy vọt lên mức đóng cửa cao nhất trong 3 tháng vào ngày thứ Ba (02/06), sau khi xuất hiện thông tin các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng vốn dự kiến giảm dần vào cuối tháng 6, MarketWatch đưa tin.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và, đáng chú ý, nhà sản xuất dầu chủ chốt Nga, một phần của liên minh OPEC+, hiện được kỳ vọng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày.

Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích thị trường tại ThinkMarkets, cho biết: “Rõ ràng, Ả-rập Xê-út đang dẫn đầu các cuộc đàm phán để thúc đẩy gia hạn cắt giảm”.

OPEC+ đã gần đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng tập thể cho đến ngày 01/09/2020, và lên kế hoạch thảo luận về cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày thứ Năm (04/06), Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Hai (01/06).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex vọt 1.37 USD (tương đương 3.9%) lên 36.81 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 1.25 USD (tương đương 3.3%) lên 39.57 USD/thùng.

Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 06/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Đã có bằng chứng cho thấy việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ bắt đầu trong tháng 5 có hiệu quả, với sản lượng của Nga giảm xuống 9.39 triệu thùng/ngày trong tháng trước, gần mức mục tiêu của OPEC+, Reuters đưa tin. Sản lượng của Nga giảm từ mức 11.35 triệu thùng/ngày trong tháng 4, hãng tin này cho hay.

“Việc gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện tại chắc chắn sẽ là sự thúc đẩy hơn nữa cho thị trường. Không chỉ sẽ cân bằng thị trường, mà sự gia tăng dự trữ dầu thô cũng sẽ giảm bớt phần nào”, Bjornar Tonhaugen, Giám đốc thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định.

Thị trường dầu thô cũng được củng cố với hy vọng rằng việc mở cửa trở lại kinh doanh trên thế giới từ đại dịch Covid-19 có thể giúp thúc đẩy nhu cầu dầu và các sản phẩm xăng dầu khác.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng tập trung vào mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc với việc Bloomberg News và Reuters đưa tin hôm thứ Hai (01/06) rằng Bắc Kinh đã tạm ngừng một số nhập khẩu đậu nành Mỹ, có khả năng làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung, vốn có thể làm tăng áp lực lên giá dầu nếu nó gây ra ảnh hưởng đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 7 tiến 4.8% lên 1.1183 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 vọt 6.1% lên 1.0921 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 nhích 0.2% lên 1.777 USD/MMBtu.

An Trần

FILI