Chủ nợ của những doanh nghiệp lỗ khủng

Chủ nợ của những doanh nghiệp lỗ khủng

Hơn ai hết, chủ nợ sẽ là người lo lắng nhất khi con nợ của mình không còn khả năng chi trả. Và ngân hàng – “chủ nợ” lớn của nhiều “con nợ” lỗ khủng lại càng nao núng hơn khi mức lỗ của con nợ vẫn chưa hề “thuyên giảm” mà ngày một “chồng chất” thêm.

Dữ liệu thống kê của Vietstock cho thấy, tính đến ngày 31/03/2020, có 79 doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp làm ăn bết bát trong nhiều năm lại tiếp tục nhận thêm cái kết đắng trong quý 1 năm nay. Tình cảnh này khiến các ngân hàng – chủ nợ như “ngồi trên đống lửa”.

Top 20 doanh nghiệp lỗ lũy kế nặng nhất tính đến ngày 31/03/2020. Đvt: Tỷ đồng

CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) đang là doanh nghiệp có lỗ lũy kế nặng nhất với hơn 4,217 tỷ đồng.

Dư nợ vay ngân hàng của NOS. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 1/2020 của NOS

Với mức lỗ thê thảm, NOS cũng đang gánh 755 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và hơn 2,177 tỷ đồng vay nợ dài hạn tại các ngân hàng. Trong khi  dư nợ vay không thay đổi so với đầu năm,  thì quý 1 lại lỗ thêm 44 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm hơn 3,958 tỷ đồng. Hơn nữa, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý 1 của NOS chỉ vỏn vẹn gần 49 triệu đồng.

Trong 2,177 tỷ đồng nợ dài hạn của NOS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho vay 945 tỷ đồng, Vietcombank (VCB) cho vay 851 tỷ đồng, SeABank là 194 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 187 tỷ đồng.

Theo như thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán Công ty mẹ năm 2019, NOS có 02 khoản vay dài hạn tại Vietcombank đều bằng USD và được thế chấp bằng tàu Ngọc Sơn, tàu Nosco Glory và tàu Star với lãi suất là 2.2%/năm.

Theo NOS giải trình, nợ phải trả của Công ty trong năm 2019 không giảm do nguồn thu từ khai thác chỉ đủ bù đắp một phần chi phí trực tiếp để vận hành tàu, nên không còn khả năng thu xếp để thanh toán các khoản nợ vay được. Bên cạnh đó, khoản nợ phải trả nhà cung cấp tăng lên. Hiện tại, Công ty đã và vẫn tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để áp dụng cơ chế cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho các dự án đầu tư tàu biển.

Dư nợ vay ngân hàng của HNG. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 1/2020 của HNG

Tuy đã có lãi gần 2 tỷ đồng trong quý 1 nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với mức lỗ lũy kế hơn 2,322 tỷ đồng, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) hiện là con nợ “chúa chổm”  của các ngân hàng trong số các doanh nghiệp lỗ lũy kế nặng nề  với tổng dư nợ gần 5,000 tỷ đồng.

Vay dài hạn tính đến ngày 31/03/2020 của HNG ở mức 4,290 tỷ đồng, giảm 0.3% so với đầu năm và vay ngắn hạn gần 620 tỷ đồng, tăng 0.2%. Theo đó, chi phí lãi vay trong quý 1 của HNG đã giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 80 tỷ đồng. Và điều đáng khích lệ cho HNG cũng như niềm vui cho các chủ nợ ngân hàng là doanh nghiệp đã có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hơn 932 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dòng tiền âm gần 115 tỷ đồng.

Chủ nợ chính đối với khoản vay ngắn hạn của HNG là TPBank (600 tỷ đồng). Dư nợ vay ngắn hạn có thời hạn thanh toán từ ngày 10/03/2020 đến ngày 30/09/2020, với lãi suất thay đổi hàng quý bằng lãi suất cơ sở năm hạn 3 tháng của TPBank cộng thêm 3.2%/năm, trong đó năm 2019 là 10.5%. Tài sản thế chấp cho TPBank là tài sản của Công ty TNHH Cao su Eastern đã, đang và sẽ hình thành trên đất theo giấy chuyển nhượng quyền sở hữu đất tô nhượng kinh tế tại Campuchia với diện tích 925 ha, cùng với 454 ha đất trồng  cây ăn trái tại Lào thuộc sở hữu của Đại Thắng, và gần 33 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Còn BIDV dính đến HNG khi cho vay dài hạn 1,885 tỷ đồng. Tài sản thế chấp bao gồm quyền sử dụng đất và vườn cây cao su với quy mô gần 9,997 ha tại Lào thuộc sở hữu của Hoàng Anh Attapeu; cùng 2 tầng thuộc khu thương mại tại Tổ hợp chung cư – Thương mại Bàu Thạc Gián Đà Nẵng thuộc sở hữu của HAG và 13.3 triệu cp HNG cũng thuộc sở hữu của HAG

Dư nợ vay ngân hàng tại các doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn nhất vào cuối quý 1. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 1/2020 của các doanh nghiệp

Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng dư nợ vay ngân hàng tại 20 doanh nghiệp lỗ lũy kế nặng nhất tính đến ngày 31/03/2020 vào khoảng 19,250 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Chủ của những “món nợ” này chủ yếu tập trung vào 4 ông lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và các ngân hàng thương mại tư nhân TPBank, PVcomBank. Có thể lý giải một phần nguyên nhân nợ xấu tại các ngân hàng này đều tăng đáng kể so với đầu năm.

Trong đó, VietinBank có tổng nợ xấu tăng mạnh  đến hơn 56% so với đầu năm, chiếm 16,917 tỷ đồng. Kế đến là TPBank với mức tăng tổng nợ xấu gần 53%, chiếm 1,884 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 7% so với đầu năm, chiếm 6,191 tỷ đồng và BIDV ghi nhận tổng nợ xấu xấp xỉ hồi đầu năm, ở mức 19,291 tỷ đồng.

Phân loại nợ xấu của các ngân hàng tính đến cuối quý 1/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC quý 1/2020 của các ngân hàng

Có thể thấy, doanh nghiệp lỗ nặng với dòng tiền âm không chỉ là nỗi lo lắng của chính doanh nghiệp mà còn làm gia tăng những khoản nợ xấu tại các ngân hàng. Đây là điều mà các chủ nợ hoàn toàn không muốn nghĩ đến.

Ái Minh

FILI