Chính phủ Philippines trả tiền để dân thành thị trở về nông thôn

Chính phủ Philippines trả tiền để dân thành thị trở về nông thôn

Đại dịch Covid-19 mang lại cơ hội để Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, giảm bớt tình trạng đông đúc ở Manila – một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây.

Thành phố Manila. Ảnh: Bloomberg

Ông Duterte chi tiền và cung cấp hàng hóa để thuyết phục người dân thành thị rời khỏi thủ đô. Đây là chương trình tham vọng có tên là “Back to the Province”, một trong những nỗ lực quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ qua để thu hút người Philippines về khu vực nông thôn. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày thực trạng: Sự gia tăng dân số chóng mặt và xu hướng di cư đến các thành phố lớn gây quá tải dịch vụ vận tải và y tế ở vùng thủ đô Manila.

Chương trình này được thiết kế để giúp những người như Joel Gortina (38 tuổi) – một thợ điện muốn trở về tỉnh Cebu sau 15 năm học tập và làm việc ở Manila. Trong bối cảnh không có việc làm giữa đại dịch Covid-19, ông Gortina dự định rời Manila vào giữa tháng 3/2020, nhưng bị mắc kẹt vì phần lớn đất nước bị phong tỏa.

“Tôi chẳng có việc làm, cạn túi. Tôi bị đuổi khỏi nhà trọ”, ông Gortina buồn rầu nói. “Nơi đây đang gặp khủng hoảng”.

Tính đến ngày 24/04, kinh tế Philippines đã mất hơn 2 triệu việc làm, trong đó 1/3 lượng việc làm này ở Manila, theo Bộ Lao động Philippines. Thủ đô đông nghẹt người này là nhà của hơn 13 triệu dân và chiếm 2/3 số ca lây nhiễm Covid-19 tại Philippines. Trong bối cảnh kinh tế Philippines đối mặt với đợt suy yếu nặng nề nhất trong 3 thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp được dự báo tăng lên 2 con số, nhiều người dân cảm thấy đời sống ở thủ đô không còn hào nhoáng như xưa.

“Manila đã chạm ngưỡng tối đa. Việc cư dân di cư đến thủ đô không hề giúp ích trong đại dịch này”, ông Marcelino Escalada, Giám đốc điều hành phụ trách chương trình Back to the Province, nhận định.

Chương trình "Back to the Province"

Các gia đình tham gia vào chương trình có thể nhận tới 110,000 Peso (tương đương 2.173 USD) dưới hình thức tiền mặt và sản phẩm. Gần 60,000 người đã đăng ký kể từ khi chương trình này bắt đầu vào giữa tháng 5/2020, Escalada cho biết. Chương trình này ưu tiên những người thất nghiệp, vô gia cư và những người sống trong khu vực dễ bị thiên tai. Hơn hàng ngàn người được cho là đã rời Manila trước thời điểm bị phong tỏa, đôi khi với sự trợ giúp của các tổ chức phi lợi nhuận.

Trở về nông thôn, họ sẽ phải đối mặt với thách thức tìm kiếm việc làm và chương trình “Back to the Province” có nguy cơ trở thành giải pháp tạm thời đối với nhiều người cho đến khi nền kinh tế phục hồi.

Người dân Philippines chơi bóng rổ ở vùng nông thôn. Ảnh: Bloomberg

Trong báo cáo gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Dân số thuộc Đại học Philippines cho biết có thể rất khó để thu hút người dân trở về khu vực nông thôn trừ khi người dân cảm thấy sự phát triển ở nơi đó. “Và khi người dân di cư thật sự trở về nông thôn, chúng ta phải cho họ đủ lý do để ở lại đó mãi mãi”, họ nhận định.

Philippines không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đang vật lộn với tình trạng đô thị hóa quá mức. Trong đó Jakarta lâm vào cảnh bế tắc và dần dần chìm xuống dưới mức nước biển, Indonesia lên kế hoạch chuyển thủ đô sang Borneo.

Trước đó, Malaysia và Myanmar chuyển thủ đô sang các thành phố mới, một phần là để giảm áp lực đối với Kuala Lumpur và Yangon.

Chính quyền Philippines đã cố gắng giảm sự tập trung của cải và dân cư tại Manila kể từ thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos vào những năm 1960. Là trung tâm kinh tế và chính trị, Manila chiếm đến 1/3 nền kinh tế Philippines. Điều này khiến khu vực trở thành nam châm hút người dân từ các tỉnh khác.

Dân số tại khu vực Thủ đô Manila, bao gồm 16 thành phố và đô thị tự trị, tăng vọt từ 4 triệu người (năm 1970) lên 13,7 triệu người tại cuối năm 2019. Bao gồm cả thị trấn lân cận ở rìa Manila, tổng dân số thành thị nơi đây lên đến 23 triệu người, theo báo cáo từ Demographia.

Ảnh: Bloomberg

Giữ chân người dân ở nông thôn

Để người dân tái định cư ở quy mô lớn đòi hỏi kế hoạch toàn diện, từ đảm bảo các dịch vụ xã hội đầy đủ cho đến tạo việc làm – và thậm chí có thể cần tới luật lệ mới về sử dụng đất, Maria Ela Atienza, Giáo sư về chính trị y tế và quản trị địa phương tại Đại học Philippines, cho hay.

Chương trình "Back to the Province" có thành công hay không còn “phụ thuộc vào sự sẵn sàng và hỗ trợ của nhiều cơ quan và chính quyền địa phương”, bà cho biết. “Có khả năng là nhiều mục tiêu cao ngất ngưỡng sẽ không đạt được”.

Thậm chí nếu cư dân thành thị chuyển về vùng nông thôn, việc giữ chân họ lại là một vấn đề khác.

“Ở nông thôn, người dân tốn ít chi phí hơn, nhưng những người lao động rồi cũng sẽ đi đến nơi nào có việc làm”, Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Maybank Kim Eng Research, cho biết.

Việc đẩy mạnh việc làm bền vững ở các tỉnh thật sự rất quan trọng. Tổng thống Duterte muốn công nghiệp hóa lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, đồng thời có thể đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp chuyển về nông thôn.

Dù vậy, các công việc cần phù hợp với kỹ năng và nhu cầu của dân di cư, ông Alvin Ang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Ateneo, nhấn mạnh.

Đối với những người như Gortina, đây không phải là lúc để lo ngại về dài hạn. Sau 2 tháng đi xin ăn, ông cho biết ông mơ về ngôi nhà ở nơi ông lớn lên.

Ông Gortina hiện đang sống dưới mái nhà của Đại học Công giáo ở Manila. Ngôi trường này – cùng với các nhóm người công giáo – đang giúp đỡ ông chuẩn bị về quê nhà, một làng chài nhỏ ở Oslob tại miền trung Philippines.

“Tôi không biết mình sẽ làm gì khi trở lại. Chắc chắn, tôi phải chăm sóc cho cha mình. Thế nhưng, còn việc làm thì sao? Việc nào cũng được”, ông Gortina nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI