Ngã quỵ vì Covid-19, đại gia bán lẻ 118 năm tuổi nộp đơn phá sản

Ngã quỵ vì Covid-19, đại gia bán lẻ 118 năm tuổi nộp đơn phá sản

Đại gia bán lẻ 118 năm tuổi đời J.C. Penney đã nộp đơn phá sản trong ngày thứ Sáu (15/05), nạn nhân mới nhất trong ngành bán lẻ bị ngã quỵ vì Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã bồi thêm cú đấm cuối cùng cho đại gia bán lẻ 118 năm tuổi đời ngay khi công ty đang gặp khó khăn chồng chất vì những năm đưa ra quyết định tồi tệ, sự bất ổn trong ban lãnh đạo cùng sai lầm trong việc đón bắt thị trường.

Công ty cho biết họ đã nhất trí với hầu hết tổ chức cho vay về kế hoạch xoay chuyển tình thế. Theo kế hoạch này, họ sẽ được phép tiếp tục kinh doanh như một công ty khỏe mạnh về tài chính, nhưng sẽ đóng cửa một lượng cửa hàng trong số 846 cửa hàng. Như là một phần của kế hoạch xoay chuyển tình thế, J.C. Penney xoay sở để vay thêm 450 triệu USD từ những tổ chức cho vay này để chi trả cho hoạt động trong suốt quá trình tái cấu trúc.

Công ty đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 là lý do dẫn tới phá sản.

"Trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc xây dựng lại công ty theo Chiến lược Làm mới công ty – và khi những nỗ lực của chúng tôi đã bắt đầu có kết quả thì đại dịch Covid-19 ập đến ", CEO Jill Soltau cho biết. “Việc triển khai kế hoạch tái cấu trúc tài chính dưới sự giám sát của tòa án là con đường tốt nhất để đảm bảo rằng J.C. Penney sẽ gầy dựng dựa trên lịch sử hơn 100 năm tồn tại để phục vụ khách hàng trong những thập kỷ tới”.

J.C. Penney là nhà bán lẻ Mỹ thứ 4 nộp đơn phá sản chỉ trong tháng này. Vào ngày 04/05, hãng bán lẻ quần áo J.Crew nộp đơn phá sản, kế đó là Neiman Marcus vào ngày 07/05. Vào ngày 10/05, Stage Stores cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

* Covid-19 phải chăng là ngày tận thế của ngành bán lẻ?

Vì đâu đại gia bán lẻ 118 năm tuổi đời gục ngã?

Lịch sử của J.C. Penney bắt đầu từ năm 1902 với cửa hàng đầu tiên ở Kemmerer, Wyoming, và nhanh chóng trở thành một trong những ông lớn bán lẻ của nước Mỹ - một đối trọng của các ông lớn như Sears và Macy’s. Số lượng cửa hàng của J.C. Penney lên tới đỉnh trong năm 1973 với hơn 2,000 cửa hàng trên toàn quốc.

Ngày nay, J.C. Penney có 85,000 nhân viên, nằm trong số những nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ nộp đơn phá sản trong vài năm trở lại đây.

J.C. Penney gặp rắc rối với núi nợ và làm ăn thua lỗ trong 1 thập kỷ qua. Thế nhưng, 10 năm vừa qua được khỏa lấp bằng những bước đi sai lầm của J.C. Penney và sau khi mắc sai lầm, công ty lại tuyển dụng một vị CEO mới. J.C. Penney cũng thực hiện hàng loạt thay đổi triệt để nhằm vực dậy công ty, nhưng đều thất bại chóng vánh.

Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt với sự suy giảm của toàn bộ lĩnh vực cửa hàng bách hóa. Ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thay vì đi tới cửa hàng. Chưa hết, J.C. Penney cũng chẳng thể cạnh tranh với những cửa hàng như Walmart, Target và Costco – vốn cung cấp những mặt hàng có giá thấp hơn và nhiều mặt hàng không có ở các cửa hàng bách hóa.

Năm làm ăn có lãi gần đây của J.C. Penney là vào 2010 và kể từ đó, khoản lỗ lũy kế của công ty lên đến 4.5 tỷ USD.

Kể từ mùa hè năm 2011, J.C. Penney chỉ ghi nhận lãi trong 5 quý – tất cả đều trong mùa mua sắm. Và cũng từ đầu năm 2011, J.C. Penney đã đóng cửa hơn 20% cửa hàng, đồng thời cắt giảm hơn 40% nhân viên.

Bất chấp những bước đi sai lầm và xu hướng ngành không thuận lợi, gần đây J.C. Penney đã có những tín hiệu đáng kỳ vọng ngay trước cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trong tháng 11/2019, khi mùa mua sắm vừa bắt đầu, khoản lỗ đã giảm bớt trong quý 3/2019 và J.C. Penney cũng nâng kế hoạch lợi nhuận ngay cả khi doanh số tiếp tục suy giảm.

“Chúng tôi đã có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực vực dậy J.C. Penney trở về con đường tăng trưởng bền vững”, ông Soltau cho biết tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan nhanh chóng tan biến, khi lãi ròng sụt 64% trong quý 4/2020 – vốn cũng là một mùa mua sắm.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FILI