Fed: Một số mô hình kinh doanh sẽ không tồn tại được sau Covid-19

Fed: Một số mô hình kinh doanh sẽ không tồn tại được sau Covid-19

Trong biên bản họp tháng 4/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết một số loại hình kinh doanh có thể không tồn tại được trong thế giới hậu Covid-19, thậm chí sau khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại.

Đánh bại Covid-19 là yếu tố then chốt để phục hồi nền kinh tế lớn nhất, nhưng một phần thiệt hại có thể kéo dài, nhất là khi người tiêu dùng vẫn còn do dự chưa trở lại các hoạt động bình thường, các quan chức Fed cho biết trong biên bản họp chính sách tháng 4/2020.

* Chủ tịch Fed: GDP Mỹ có thể giảm hơn 30%, nhưng không có khủng hoảng

* Fed cảnh báo GDP Mỹ có nguy cơ giảm mạnh trong năm 2021 nếu mở cửa kinh tế quá sớm

* GDP Mỹ giảm 4.8% trong quý 1, nhiều khả năng rơi vào suy thoái trong quý 2

Các quan chức “bày tỏ lo ngại rằng hàng loạt doanh nghiệp nhỏ có lẽ không thể chịu nổi cú sốc có tác động kéo dài về phương diện tài chính”.

Và họ cũng sợ rằng “thậm chí sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, một số mô hình kinh doanh có thể không còn khả thi về mặt kinh tế”, nhất là nếu người tiêu dùng “tránh tham dự vào một số hình thức hoạt động kinh tế nhất định”.

Với hơn 90,000 ca tử vong từ Covid-19 và dữ liệu cho thấy hơn 30 triệu việc làm bị mất đi (ít nhất là tạm thời), các quan chức Fed cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm “chưa từng có” trong quý 2/2020 khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ giai đoạn hậu Thế Chiến II.

Tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết GDP Mỹ có thể “dễ dàng” thu hẹp 20-30%, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp có thể vọt lên mức 25%.

Nhà hàng, nhà hát và địa điểm tổ chức thể thao bị tác động cực kỳ nặng nề vì đây là những nơi đông người tụ tập – kiểu hành vi mà nhiều người sẽ muốn né xa nếu việc mở cửa kinh tế trở lại làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Các quan chức Fed cho biết “bên cạnh tác động nặng nề đến hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, các tác động kinh tế của đại dịch sẽ tạo ra sự bất ổn khủng khiếp và rủi ro đáng kể đến hoạt động kinh tế trong trung hạn”.

Họ bồn chồn lo ngại “những đợt sa thải tạm thời có thể trở thành vĩnh viễn” và “khả năng bùng phát thứ hai có thể khiến doanh nghiệp lưỡng lự tham gia vào một số dự án mới, tuyển dụng lại người lao động hoặc thực hiện chi tiêu vốn mới trong một khoảng thời gian”, theo biên bản của cuộc họp ngày 28-29/04/2020.

Các chương trình mà Fed và Quốc hội Mỹ vội vã tung ra – bao gồm bảo hiểm thất nghiệp kéo dài và chương trình Bảo vệ Tiền lương – dường như đã chắn bớt tác động. “Các quan chức thừa nhận có thể cần thêm các hỗ trợ về tài khóa nếu suy giảm kinh tế kéo dài”.

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 3 ngàn tỷ USD. Bên cạnh đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ khác trị giá 3 ngàn tỷ USD, nhưng gói cứu trợ này lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những Đảng viên Cộng hòa vì những lo ngại về chi phí.

Thế giới đã và đang ngấm đòn Covid-19, trong đó Trung Quốc đã ghi nhận đà giảm mạnh về sản lượng và khu vực đồng tiền chung châu Âu sắp hé lộ những nét vẽ đầu tiên trong bức tranh u ám sắp tới.

Khi Chính phủ Mỹ và các bang tranh luận dữ dội về thời điểm và tốc độ gỡ bỏ hạn chế đối với các công ty và trường học, thì vẫn còn đó những nỗi lo khôn nguôi: Liệu đà giảm tốc kinh tế sẽ kéo dài bao lâu và kinh tế sẽ phục hồi theo hình gì? Liệu đó là “V”, “L” hay “W”?

Những hy vọng về khả năng kinh tế phục hồi nhanh chóng đã tan biến như bọt biển. Cho tới nay, nhiều dữ liệu báo hiệu về khả năng suy thoái sâu, trong khi các dữ liệu khác lại cho thấy phục hòi nhẹ, theo công cụ theo dõi dữ liệu kinh tế của Bloomberg.

Vũ Hạo (Theo Channel News Asia)

FILI