Fed cảnh báo GDP Mỹ có nguy cơ giảm mạnh trong năm 2021 nếu mở cửa kinh tế quá sớm

Fed cảnh báo GDP Mỹ có nguy cơ giảm mạnh trong năm 2021 nếu mở cửa kinh tế quá sớm

Ngày 07/05, Patrick Harker, Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia, cảnh báo rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế quá nhanh có thể dẫn tới những hậu quả tàn khốc.

Patrick Harker, Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia

Vị quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra hai kịch bản:

- Trong kịch bản “lạc quan hơn”, nền kinh tế tái mở cửa trong tháng 6/2020. Lúc này, có công nghệ để kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và không có làn sóng bùng phát thứ hai trong mùa thu. Trong kịch bản này, ông nhận thấy GDP Mỹ giảm trầm trọng trong quý 2/2020 và sau đó là đà phục hồi mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020. Tuy vậy, đà hồi phục không đủ để bù đắp những thiệt hại trước đó trong năm 2020.

- Trong kịch bản thứ hai, nền kinh tế mở cửa quá nhanh chóng và xuất hiện làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai và do đó, suy thoái sẽ trầm trọng hơn.

“Không chỉ là thảm họa về y tế, nhưng nó cũng sẽ chặn đứng đà phục hồi. Trong kịch bản bi quan này, tôi dự báo con đường tăng trưởng tương đương với kịch bản cơ sở cho năm 2020, nhưng trong năm 2021, GDP Mỹ sẽ thu hẹp trầm trọng vì các lệnh phong tỏa được tái áp đặt”, ông Harker cho biết tại sự kiện Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu.

Ông đưa ra nhận định khi gần 50% nền kinh tế Mỹ đã và đang khởi động lại sau khi bị đóng cửa từ giữa tháng 3/2020.

Fed lưu ý đà giảm tốc hiện tại trở nên trầm trọng hơn đáng kể vì các chính sách giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19. Thế nhưng, ông cho biết người tiêu dùng đã bắt đầu thắt lưng buộc bụng trước đó, báo hiệu rằng đà phục hồi có thể cần có thêm thời gian.

Ông và các đồng nghiệp tại Fed cũng triển khai hàng loạt biện pháp trong suốt cuộc khủng hoảng hiện tại, từ giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức 0 cho tới hàng loạt chương trình cho vay và bơm thanh khoản để hỗ trợ cho thị trường và nền kinh tế.

Vị quan chức Fed nhấn mạnh chương trình mua trái phiếu không giới hạn của Fed không nên được xem là nới lỏng định lượng (QE), ít nhất là không giống như những chính sách mà Fed đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

“Chúng tôi không còn trong chế độ năm 2009 nữa và đây không phải là nới lỏng định lượng 2.0”, ông nói. “Nguyên tắc đằng sau nới lỏng định lượng là mọi người không tham gia vào đầu tư, vì chi phí sử dụng vốn quá lớn. Đây không phải là trường hợp của năm 2019. Lý do là vì đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe”.

Thay vào đó, ông nói Fed đang trong chế độ “giải cứu”.

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tuần trước, GDP của Mỹ trong quý đầu năm nay đã giảm ở mức 4,8%, mức giảm mạnh nhất theo quý kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong bối cảnh nhiều cửa hàng, nhà máy phải đóng cửa do lệnh phong tỏa, giới chuyên gia cảnh báo gần như toàn bộ việc làm được tạo ra trong thập kỷ qua tại Mỹ đều sẽ biến mất chỉ trong tháng 4.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI