Doanh nghiệp dầu khí ‘trượt chân’ trong quý 1

Doanh nghiệp dầu khí ‘trượt chân’ trong quý 1

Không ngoài dự báo, các doanh nghiệp dầu khí đã gặp khó khăn trước “tác động kép” của dịch Covid-19 và việc giá dầu thế giới giảm mạnh. Có đến 7 đơn vị báo lỗ trong quý 1/2020, nặng nề nhất là Petrolimex (PLX) và Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Khủng hoảng kép, nhiều doanh nghiệp dầu khí "trượt chân" trong quý 1/2020. Đồ họa: Tuấn Trần

Khủng hoảng kép với ngành dầu khí

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong cả 4 tháng đầu năm 2020, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chứng kiến những hậu quả trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu. 

Cùng với đó, giá dầu liên tục giảm mạnh kéo dài chưa có tiền lệ trong ngành năng lượng thế giới, (thậm chí có phiên giao dịch vào ngày 20/04/2020 giá dầu WTI đã ở mức âm 37.6 USD/thùng) đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí trên thế giới. Tình trạng tồn kho liên tục tăng do sản phẩm làm ra không bán được, các dự án đầu tư bị “đóng băng”, ngay cả nguy cơ mất cân đối tài chính dẫn tới phá sản... đã diễn ra.

Giá dầu Brent. Đvt: USD/thùng

Nhiều doanh nghiệp dầu khí quốc tế lớn đã phải tính đến các phương án tạm ngừng sản xuất, cắt giảm đầu tư, giảm hoặc cắt giảm cổ tức, bán tài sản, đóng mỏ, cắt giảm nhân sự... và thậm chí là sa thải nhân công, tuyên bố phá sản.

Trong nước, hệ lụy của tác động “kép” đối với ngành dầu khí so với nhiều ngành khác được đánh giá sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Theo báo cáo của các đơn vị thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), hiện những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm…

Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh. Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá…

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nguồn: PVN

Theo thống kê của Vietstock, 18 doanh nghiệp dầu khí trên sàn đã tạo ra 106,233 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1/2020, giảm 7.9% so cùng kỳ và lỗ ròng tổng cộng 2,070 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 5,271 tỷ đồng). Có 4 doanh nghiệp tăng trưởng lãi, 4 doanh nghiệp sụt giảm lãi, 3 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi và tới 7 doanh nghiệp thua lỗ.

Xuất nhập khẩu Petrolimex (HOSE: PIT) có tốc độ tăng lợi nhuận tốt nhất với 69%, nhưng cũng chỉ đạt 1.8 tỷ đồng lãi ròng. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua của các thị trường xuất khẩu cũng như nội địa giảm mạnh, có thời điểm còn bị hạn chế xuất nhập khẩu khiến doanh thu thuần quý 1/2020 của PIT giảm 44% so cùng kỳ. Lợi nhuận quý 1/2020 của PIT vẫn tăng trưởng chủ yếu do trong cùng kỳ năm trước, Công ty còn phải xử lý hàng tồn kho chậm luân chuyển khiến lợi nhuận suy giảm.

Tin tốt là có 3 doanh nghiệp đã chuyển lỗ thành lãi trong quý 1/2020, gồm PVD, PVBPPY. Cú “lột xác” của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) là nhờ phát sinh 2.35 giàn khoan thuê (cùng kỳ không có giàn khoan thuê), làm tăng doanh thu thuần quý 1/2020 lên 84% so cùng kỳ, đạt hơn 1,675 tỷ đồng.

Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) cũng chuyển lỗ thành lãi nhờ có doanh thu tới 384 tỷ đồng trong kỳ, quá cách biệt so với con số hơn 6 tỷ đồng của quý 1/2019. Điều thú vị là con số lãi ròng gần 49 tỷ đồng ngay lập tức đưa PVB cán đích, khi đã vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2020.

Các doanh nghiệp dầu khí có lãi trong quý 1/2020. Đvt: Tỷ đồng

“Ông lớn” Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) nằm trong nhóm sụt giảm lợi nhuận với tỷ lệ 23%, ghi nhận lãi ròng 2,333 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý 1/2020 của GAS ở mức 17,094 tỷ đồng, giảm 8%. GAS cho biết ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm trong quý 1/2020. Bên cạnh việc giá dầu xuống thấp, GAS còn gặp khó do sự cố phía thượng nguồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung khí.

Cũng do giảm doanh thu, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) còn đi lùi nhiều hơn với lãi ròng thu hẹp 70% so cùng kỳ, về còn hơn 111 tỷ đồng. Quý 1/2020 chính là quý có kết quả tệ nhất mà PVS đạt được kể từ năm 2012.

Lãi ròng của PVS trong quý 1 từ năm 2012-2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Vì đâu PLXBSR thua lỗ hơn ngàn tỷ?

Có đến 7 đơn vị ngành dầu khí báo lỗ trong quý 1/2020, trong đó có 5 đơn vị sụt giảm doanh thu. Đối với các doanh nghiệp như OIL, PLXBSR chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn, bởi khi giá dầu giảm đột ngột sẽ khiến các đơn vị này phải trích lập dự phòng cho hàng tồn kho.

7 doanh nghiệp dầu khí thua lỗ trong quý 1/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Lọc- Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) là đơn vị ghi nhận con số lỗ ròng lớn nhất với 2,333 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 2 kể từ khi BSR chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 1/2018. Bên cạnh đó, sản lượng kinh doanh xăng dầu cũng sụt giảm do ảnh hưởng các biện pháp cách ly xã hội.

Tình cảnh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) cũng tương tự, Công ty ghi nhận sản lượng xăng dầu bán ra trên toàn hệ thống Petrolimex trong quý 1/2020 giảm 10% so cùng kỳ; lợi nhuận của một số công ty con cũng sụt giảm với các mức độ khác nhau. Do đó, PLX lỗ ròng tới 1,893 tỷ đồng trong quý mở đầu năm 2020.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI)

Tại báo cáo triển vọng ngành quý 2/2020, BSI chỉ ra rằng hầu hết các tổ chức định chế lớn trên toàn cầu đã nhanh chóng hạ dự phóng giá dầu Brent năm 2020 xuống mức trung bình khoảng 33-35 USD/thùng, giảm 45.3% so với mức bình quân 64 USD/thùng năm 2019.

Đối với thị trường Việt Nam, theo hướng nội tại, với việc trữ lượng khai thác dầu thô đang có chiều hướng suy giảm từ các mỏ Bạch Hổ (bể Cửu Long), trong khi đó quá trình thăm dò, khai thác lại đang gặp rất nhiều trở ngại. Theo hướng bên ngoài, áp lực của việc biến động giá dầu lớn theo hướng suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm hạ nguồn (GAS, BSR, PLX, OIL), ngoài ra, cũng tác động gián tiếp tới nhóm đầu nguồn trong việc thăm dò, khai thác do nhu cầu yếu đi nhưng mức ảnh hưởng chủ yếu sẽ bắt đầu từ năm 2021 do có độ trễ trong việc triển khai dự án so với giá dầu (PVS, PVB, PXS, PVD).

Theo ước tính của BSI, nhóm doanh nghiệp hạ nguồn như GAS có thể ghi nhận mức sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận lần lượt khoảng 14.8% và 43.2% so với kết quả thực hiện 2020.

*Ngành nào hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu thế giới lao dốc?

Xuân Nghĩa

FILI