Câu lạc bộ tỷ phú Poker đằng sau công ty bất động sản nặng nợ nhất Trung Quốc

Câu lạc bộ tỷ phú Poker đằng sau công ty bất động sản nặng nợ nhất Trung Quốc

Khi vị thuyền trưởng Hứa Gia Ấn lèo lái “con tàu” China Evergrande - công ty bất động sản nợ nần nhiều nhất Trung Quốc - qua cơn bão “Covid-19”, ông nhận được sự trợ giúp từ những gương mặt rất thân quen: Những ông trùm bất động sản khác.

Tập đoàn China Evergrande của ông Hứa đã và đang củng cố mối quan hệ tài chính với các đế chế bất động sản – do 3 ông trùm khác kiểm soát, dựa trên hồ sơ của công ty và thông tin từ giới truyền thông. Được biết tới là Câu lạc bộ Big Two vì sự yêu thích của họ dành cho bài xì phé (có tên là Big2 tại Trung Quốc), nhóm này bao gồm ông Joseph Lau của Chinese Estates Holdings, tỷ phú Henry Cheng của New World Development và tỷ phú Cheung Chung Kiu của C C Land Holdings.

Nguồn: Bloomberg

Vào thời điểm Tập đoàn Evergrande bán ra 6 tỷ USD trái phiếu trong tháng 1/2020 (ngay khi nhiều khu vực tại Trung Quốc chuẩn bị phong tỏa vì Covid-19), ông Lau và gia đình đã mua vào 1 tỷ USD trái phiếu từ Evergrande, tờ Sing Tao Daily của Hồng Kông ghi nhận. Ngoài ra, các thành viên khác của Câu lạc bộ Big Two cũng mua vào với tổng giá trị ít nhất là 16 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg trong thập kỷ qua.

Thỏa thuận trên mang lại cái nhìn thoáng qua về cách mạng lưới quan hệ của Trung Quốc ảnh hưởng tới cách làm việc giữa các ông trùm bất động sản. Mặc dù các mối quan hệ này có thể hỗ trợ công ty trong những ngày khó khăn, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 có thể là một bài kiểm tra đối với các mối quan hệ kiểu như thế này, theo Maggie Hu, Phó Giáo sư về tài chính và bất động sản tại Đại học Trung văn Hương Cảng.

Bậc tín nhiệm của Tập đoàn Evergrande được Moody’s đánh giá thấp hơn 4 bậc so với bậc đầu tư (investment grade). Đáng chú ý, Evergrande có 372 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 52.6 tỷ USD) nợ ngắn hạn đến hạn trong năm nay.

“Việc các ông trùm chìa tay ra giúp đỡ ông Hứa chẳng có gì bất ngờ, cũng là vì lợi ích chung của họ thôi”, ông Hu cho biết. “Liệu họ có thể chung sức vượt qua cuộc khủng hoảng lần nay hay bị kéo xuống cả đám? Chẳng ai biết được”.

Evergrande và những người có liên quan từ chối nhận định. Riêng New World Development của ông Cheng cho biết họ “thực hiện các giao dịch chỉ sau khi suy xét kỹ lưỡng đến lợi ích của cổ đông và tập đoàn”.

Các nhà bảo lãnh cho thỏa thuận trái phiếu của Evergrande trong tháng 1/2020 từ chối nhận định. Thế nhưng, một số thông tin chi tiết về việc ai mua lượng trái phiếu này lại xuất hiện trong hồ sơ trên sàn.

Các hồ sơ này cho thấy một công ty niêm yết – có em trai của ông Lau làm Chủ tịch – đã mua 150 triệu USD trái phiếu Evergrande trong tháng 1/2020 và mua thêm 170 triệu USD trên thị trường thứ cấp trong tháng trước. Đợt mua trái phiếu gần đây nhất “khá hợp lý và dựa trên các điều khoản thương mại bình thường”, trích từ một trong những hồ sơ của công ty.

Những ngày sau đợt bán trái phiếu của Evergrande, một hồ sơ khác cho thấy vợ của ông Lau đề xuất mua các khoản đầu tư nợ từ Chinese Estates, trong đó bao gồm 140 triệu USD chứng khoán nợ từ Evergrande.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự thân thiết giữa các đế chế, Chinese Estates cho biết lợi nhuận giảm trong năm 2019, phần lớn là do khoản đầu tư vào Evergrande. Lượng cổ phiếu Evergrande chiếm 40% tài sản của Chinese Estates. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm 35%.

Ông Hứa cho rằng đà giảm của cổ phiếu Evergrande một phần là do tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 và một phần do những thông tin “không công bằng” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây. Giới báo chí không phản ánh toàn bộ bức tranh của Evergrande, cụ thể dù lợi nhuận đã giảm, nhưng vẫn nằm trong top 3 của lĩnh vực bất động sản, ông nói trong cuộc họp báo ngày 31/03.

Trong khi một vài ông trùm bất động sản có đòn bẩy cao của Trung Quốc trở nên lúng túng trong vài năm trở lại đây, thì ông Hứa vẫn đặt niềm tin vào kế hoạch mở rộng đầy tham vọng.

Ông bơm hàng tỷ USD vào thiết kế và sản xuất xe điện, cam kết ngay trong tháng 3/2020 rằng sẽ cạnh tranh với Elon Musk và trở thành “tập đoàn xe hơi năng lượng mới lớn nhất và quyền lực nhất trên thế giới trong 3-5 năm tới”.

Ông Hứa cũng biến Guangzhou Evergrande thành một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất Trung Quốc kể từ khi mua lại trong năm 2010, đưa ra kế hoạch xây dựng sân vận động mới có thể có hình dạng giống như tòa sen khổng lồ. (Ông đã bán 50% cổ phần tại câu lạc bộ cho tỷ phú Jack Ma trong năm 2014 trong một thỏa thuận được đàm phán tại bàn ăn uống).

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, ông Hứa thể hiện, tham vọng của ông còn lan sang phạm vi khoa học. Ông đầu tư 115 triệu USD cho Trường Y tế Harvard, các bệnh viện liên kết và Viện Bệnh Hô Hấp Quảng Châu (GIRD).

Lớn lên trong nghèo khó

Ông Hứa Gia Ấn

Tỷ phú bất động sản Hứa Gia Ấn từng đối mặt với nghịch cảnh trước đây. Ông lớn lên trong nghèo khó, nhưng sau đó trở thành một trong những sinh viên đại học đầu tiên của Trung Quốc, sau khi kết thúc Cải cách Văn hóa của Mao Trạch Đông.

“Về sự nghèo đói, tôi biết rất rõ”, ông Hứa cho biết trong một bài phát biểu hiếm hoi trong năm 2018 khi lên nhận giải thưởng về từ thiện. “Ở trường, tôi chỉ được ăn khoai lang và bánh mì hấp. Tôi thực sự hy vọng tôi có thể rời làng và ăn ngon hơn”.

Ông Hứa từ lâu đảm bảo rằng chiến lược của Evergrande tuân theo các ưu tiên chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình – từ việc biến Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo cho tới thắng World Cup.

Được thôi thúc bởi triển vọng cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, ông Hứa đã rời công việc tại một công ty thép Nhà nước vào năm 1992 và bắt đầu phát triển bất động sản ở miền Nam Trung Quốc. Khi đó, ông Hứa nhắm đến những nơi mà các ông lớn bất động sản khác bỏ qua và nhờ đó giúp lấp đầy khoảng trống nhà ở cho tầng lớp trung lưu, ông Rose Lai, Giáo sư tài chính tại Đại học Macau, chia sẻ.

Trên trang web, Evergrande tuyên bố, vào cuối năm 2020, Tập đoàn sẽ nằm trong top 100 công ty hàng đầu thế giới, vì họ có thể có tổng tài sản 3 ngàn tỷ Nhân dân tệ và doanh số hàng năm lên đến 800 tỷ Nhân dân tệ. Được biết, doanh số năm 2019 của Evergrande ở mức 601 tỷ Nhân dân tệ.

Trong tháng 3/2020, ông Hứa cho rằng lập trường phản đối đầu cơ nhà ở của Chính phủ Trung Quốc đã kìm hãm đà tăng trưởng của Evergrande. Sau khi tiết lộ năm giảm lợi nhuận đầu tiên trong 4 năm, ông cho biết Tập đoàn sẽ giảm tổng nợ bớt 50% trong vòng 3 năm. Hiện tại, Evergrande đang nợ 800 tỷ Nhân dân tệ.

Một số chuyên viên phân tích nhận thấy cơ hội mua sau khi giá cổ phiếu Evergrande giảm mạnh, trong khi một số khác lại tỏ ra hoài nghi về tham vọng của Tập đoàn. Vào giữa năm 2017, Evergrande đã từng hứa giảm bớt đòn bẩy, nhưng cho tới nay, nợ của Tập đoàn này còn cao hơn trước. Tuy nhiên, hệ số nợ/vốn cổ phần vẫn giảm vì Tập đoàn tăng vốn.

Những kênh tài trợ cho Evergrande

Theo ông Rose Lai của Đại học Macau, phần lớn nợ ngắn hạn của Evergrande đến từ các tổ chức cho vay phi ngân hàng – một nguồn tài trợ phổ biến cho các công ty tư nhân tại Trung Quốc. Ông Lai nhìn nhận đây là thách thức của Evergrande trong thời gian tới.

Các khoản vay từ hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) chiếm gần 1/3 tổng nợ của Evergrande trong năm 2019, và Tập đoàn đã thế chấp 49 tỷ USD tài sản để đi vay nợ từ hệ thống ngân hàng ngầm. Đáng nói hơn, nợ ngắn hạn sắp đến hạn trong năm nay chiếm 47% tổng nợ của Evergrande và vượt lượng tiền mặt 229 tỷ Nhân dân tệ mà Evergrande đang có, theo báo cáo thường niên năm 2019 của Evergrande.

Trong cuộc họp báo công bố lợi nhuận vào ngày 31/03, Chủ tịch Evergrande, Xia Haijun, cho biết một lượng lớn nợ của Evergrande thực ra là nợ của các công ty nhỏ có các dự án mà Evergrande đã mua lại.

Mức nợ sẽ giảm đáng kể khi Evergrande bán dự án, ông Xia nói, đồng thời cho biết thêm công ty không có áp lực thanh toán trái phiếu bằng USD trong năm nay. Công ty đã trả 1.6 tỷ USD nợ trái phiếu đến hạn trong tháng 3/2020.

Các mối quan hệ thân quen

Các giao dịch của Evergrande với ông Lau đã có từ ít nhất là năm 2009 - thời điểm ông Lau đã rót tiền vào đợt IPO của Evergrande. Gia đình ông Lau và những người liên quan đã đầu tư hàng tỷ USD trong năm 2017, thời điểm giá cổ phiếu Evergrande tăng vọt 458%. Tuy vậy, sau đó cổ phiếu này đã giảm mạnh trở lại và xóa phần lớn mức tăng trước đó.

“Ông Lau và một số ông trùm khác của Hồng Kông là những kênh tài trợ cho Evergrande hoặc ông Hứa”, Edwin Fan, chuyên viên phân tích tại Fitch Ratings, nhận định.

Ông Hứa và ông Lau cũng hoàn tất một số thỏa thuận bất động sản, trong đó Evergrande mua tòa tháp văn phòng tại Hồng Kông từ Chinese Estates trong tháng 11/2015 với giá kỷ lục 12.5 tỷ HKD (tương đương 1.6 tỷ USD) vào tháng 11/2015. Trước đó, Evergrande cũng mua các bất động sản khác của Chinese Estates tại Trung Quốc đại lục trong năm 2015 – thời điểm Moody’s cảnh báo nợ ngắn hạn của Evergrande tăng rất đáng chú ý. Ở Hồng Kông, Chinese Estates cho thuê một vài tầng tại Trung Tâm Evergrande Trung Quốc.

Là một trong những giao dịch gần đây hơn, Chinese Estates cùng với Evergrande đầu tư vào Shengjing Bank – một ngân hàng ở Liêu Ninh, gần biên giới với Triều Tiên. Sau đó, Chinese Estates bán lại cổ phần này cho vợ của ông Lau.

Các công ty của gia đình ông Cheung và ông Cheng cũng sở hữu cổ phiếu tại Shengjing Bank, hồ sơ pháp lý cho thấy. Evergrande thậm chí còn tăng sở hữu tại Shengjing Bank sau khi nhận yêu cầu từ các cơ quan chức trách Trung Quốc (họ muốn tăng vốn tại ngân hàng này), dựa trên nguồn tin thân cận.

Trong một tài liệu, Shengjing Bank cho biết thỏa thuận trên sẽ nâng cao hệ số vốn an toàn (CAR) của ngân hàng – vốn đang ở mức “tương đối thấp” so với các ngân hàng cùng cấp ở Trung Quốc, đồng thời củng cố việc quản trị rủi ro và đà tăng trưởng trong tương lai. Về phía Evergrande, họ cảm thấy “lạc quan” về tương lai của Shengjing Bank.

Liệu các khoản đầu tư của nhóm Big Two có thành công hay không? Điều đó còn phụ thuộc phần lớn vào con đường sắp tới của nền kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc – vốn đang lao đao vì đại dịch Covid-19.

“Evergrande mở rộng trong những năm tháng tốt đẹp và giờ lại đối mặt với áp lực trả nợ rất lớn”, Andrew Collier, Giám đốc quản lý tại Orient Capital Research, cho hay. “Nếu đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc kéo dài, Evergrande sẽ còn gặp rất nhiều rắc rối”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI