Campuchia: Prasac sắp niêm yết trái phiếu

Campuchia: Prasac sắp niêm yết trái phiếu

Prasac Microfinance Institution Ltd (Prasac), tổ chức tài chính vi mô được Quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (CGIF) bảo lãnh toàn diện, đã thực hiện thành công giai đoạn đặt mua (subscription) trái phiếu thương mại và dự kiến chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) vào ngày 05/05, theo Phnom Penh Post.

Prasac đã huy động thành công 31.8 triệu USD trong giai đoạn subscription và dự kiến trở thành tổ chức tài chính thứ 2 niêm yết trên sàn chứng khoán Campuchia trong mùa dịch Covid-19. Hôm 21/04, Ngân hàng thương mại PPCBank đã chính thức lên sàn và huy động thành công 40 tỷ Riel ở giai đoạn đầu phát hành trái phiếu thương mại (do quá trình phát hành 80 tỷ Riel trái phiếu thương mại của PPCBank được chia thành 2 giai đoạn).

Prasac sẽ phát hành 1,272,000 trái phiếu thương mại ra công chúng với tổng giá trị phát hành 127.2 tỷ Riel (tương đương 31.8 triệu USD). Trái phiếu thương mại do Prasac phát hành có thời gian đáo hạn 3 năm với lợi tức 7.5%/năm và được trả 6 tháng/lần.

Theo ông Seng Chan Thoeun, Giám đốc quản lý của Công ty Chứng khoán SBI Royal Securities, đơn vị bảo lãnh cho quá trình chào bán trái phiếu của Prasac, so với những công ty niêm yết trước đây mà công ty ông đã bảo lãnh, gồm Hattha Kaksekar Ltd (HKL) và Sihanoukville Autonomous Port (PAS), thì Prasac huy động được vốn nhiều nhất từ thị trường chứng khoán.

Ông Seng cho biết Prasac huy động được 31.8 triệu USD, trong khi HKL và PAS huy động được lần lượt là 30 triệu USD và 27 triệu USD. Theo ông Seng, điều này thật lý tưởng để Prasac đảm bảo có nhiều thanh khoản trong bối cảnh như hiện nay.

Phó chủ tịch kiêm trưởng phòng hoạt động Ha Jong-weon của CSX, cho biết Prasac đang làm việc với CSX về việc nộp hồ sơ niêm yết chính thức. Ngày niêm yết dự kiến là ngày 05/05 (trước đây, Prasac dự kiến sẽ niêm yết vào ngày 30/04).

Ông Ha nói: “Như vậy, sản phẩm của CSX sẽ đa dạng hơn và nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn đầu tư hơn. Huy động vốn thông qua thị trường vốn là lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn khó khăn này do thực tế, đây là nguồn huy động vốn dài hạn và đặc biệt cho việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Công ty niêm yết không cần phải trả lãi định kỳ hoặc trả nợ gốc cho nhà đầu tư. Hơn nữa, công ty còn có thể quyết định không chia cổ tức tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp”.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI