Các quỹ đầu tư toàn cầu đổ xô rót vốn vào Trung Quốc

Các quỹ đầu tư toàn cầu đổ xô rót vốn vào Trung Quốc

Sự gián đoạn trên thị trường vì Covid-19 đã thôi thúc các quỹ đổ xô rót vốn vào chứng khoán Trung Quốc và một số chiến lược gia xem đây là một xu hướng dài hạn.

“Chúng tôi nhận ra nhiều nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang đảo danh mục trong bối cảnh bất định hiện nay”, Todd Willits, người đứng đầu công ty theo dõi dòng vốn EPFR, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào cuối tháng 4/2020. “Việc phân bổ vốn tới Trung Quốc là một điều gì đó mà các nhà quản lý quỹ muốn tăng cường”.

* Thất nghiệp đe dọa kinh tế Trung Quốc

* Ông Trump yêu cầu quỹ hưu trí liên bang rút 4 tỷ USD ra khỏi chứng khoán Trung Quốc

* Câu lạc bộ tỷ phú Poker đằng sau công ty bất động sản nặng nợ nhất Trung Quốc

Khi chứng khoán Mỹ tụt xuống đáy 3 năm trong tháng 3/2020, khoản vốn được chuyển sang chứng khoán Trung Quốc từ hơn 800 quỹ đã lên tới gần 25% trong tổng tài sản 2,000 tỷ USD đang được quản lý, theo dữ liệu dòng vốn từ EPFR. Con số này đã tăng từ mức 20% tại thời điểm 1 năm trước và gần 17% cách đây 6 năm. Dữ liệu về các quỹ phân các khoản nắm giữ thành 9 dạng cổ phiếu niêm yết ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ và Singapore.

Chính thức được gọi với cái tên Covid-19 – dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ đó, dịch bệnh đã lây lan ra phần lớn quốc gia trên thế giới. Trong nỗ lực kìm hãm đại dịch, các chính quyền đã ra lệnh phong tỏa và hạn chế hoạt động kinh doanh – đây là yếu tố làm chao đảo các thị trường tài chính ngay khi nỗi lo về suy thoái cứ mãi quẩn quanh trong tâm trí nhà đầu tư.

Cho tới nay, chứng khoán Trung Quốc có thành quả tốt hơn so với chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 5.2% từ đầu năm 2020, trong khi S&P 500 lao dốc tới 11.1%.

Dữ liệu từ EPFR cho thấy các quỹ cổ phiếu Trung Quốc chứng kiến dòng vốn tháo chạy trong những tuần gần đây, vì nhiều quỹ đã bán ra để đáp ứng nhu cầu rút vốn của khách hàng. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng tháo chạy của dòng vốn chỉ là tạm thời, EPFR cho biết các quỹ đầu tư đa khu vực đang duy trì khoản đầu tư tại Trung Quốc, trong khi rút vốn khỏi các thị trường khác như là một cách để đáp ứng mục tiêu tỷ suất sinh lời tổng thể.

Đối với các quỹ đầu tư tập trung vào chứng khoán thị trường mới nổi, tỷ trọng phân bổ vốn trung bình cho Trung Quốc lên tới 34%, trong khi các quỹ đầu tư vào chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản) có tỷ trọng phân bổ cho Trung Quốc lên đến 38%.

Rủi ro từ căng thẳng Mỹ-Trung

Khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài, áp lực chính trị đang đè nặng lên những quỹ đầu tư vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp lừa đảo tại Trung Quốc bỗng nhiên thu hút sự chú ý trong tháng trước. Cụ theer, Luckin Coffee tiết lộ đã gian dối về khoản doanh thu 2.2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 314 triệu USD) và cổ phiếu của chuỗi cà phê (được mệnh danh là Starbuck của Trung Quốc) rớt hơn 80% trước khi bị đình chỉ giao dịch.

Tuy vậy, nhu cầu đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc vẫn còn cao, thậm chí là các nhà đầu tư ở Mỹ.

Vào ngày 08/05, Kingsoft Cloud trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên lên sàn chứng khoán Mỹ kể từ sau vụ bê bối của Luckin Coffee và sự bùng phát của dịch Covid-19. Cổ phiếu Kingsoft Cloud tăng hơn 40% chỉ trong 3 ngày giao dịch và hiện công ty có định giá tới 5 tỷ USD.

J.P. Morgan, UBS, Credit Suisse và CICC là những ngân hàng bảo lãnh cho đợt chào bán này.

“Chúng tôi nhận thấy có lượng đăng ký chất lượng rất cao, thậm chí đến từ những nhà đầu tư và tổ chức nổi tiếng ở nhiều quốc gia lớn”, Henry He, CFO của Kingsoft Cloud, cho biết trong ngày thứ Sáu (08/05).

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI