‘Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy’

‘Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy’

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính của Trường Đại học Kinh tế TPHCM nhận định kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy, một trong những biện pháp giúp phục hồi kinh tế là phải giải bài toán lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giữa dòng sóng dữ”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo đưa ra nhận định khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra có cấu trúc dai dẳng và bất định đối với kinh tế thế giới. Sự đổ vỡ do Covid tạo ra sẽ tạo nên trạng thái “bình thường mới”, phải mất rất lâu để nền kinh tế trở lại như trước đại dịch. Không ai trong chúng ta đủ kinh nghiệm và kiến thức để dự đoán thế giới sẽ ra sao và kinh tế sẽ tồi tệ thế nào sau khủng hoảng.

IMF gần đây đã gọi khủng hoảng lần này là cuộc “đại phong tỏa” khi so sánh đại suy thoái ở Mỹ năm 1929-1932 và sau đó vào 2008-2009 khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái kéo dài 6 năm và trì trệ kinh tế rất lâu sau đó.

Khủng hoảng do Covid-19 lần này nghiêm trọng hơn 2 cuộc khủng hoảng trước đó. IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn thế giới 2020 sẽ ở mức âm 3% và đây là mức rất thấp. Nếu dịch bệnh không được khống chế hiệu quả và triệt để trên quy mô toàn cầu và nền kinh tế lớn chưa khôi phục, thì kinh tế thế giới năm 2021 sẽ còn đen tối hơn. Cần lưu ý khủng hoảng lần này diễn ra khi sức đề kháng của nền kinh tế yếu kém. Trước Tết âm lịch, dịch bệnh bùng phát giữa lúc căng thẳng trong hoạt động mậu dịch Mỹ - Trung cũng đã làm thế giới gánh chịu hệ lụy rất nhiều và Covid-19 là “cú đấm bồi” vào sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là thách thức mà doanh nghiệp thế giới và Việt Nam phải gánh chịu.

Giải bài toán lệ thuộc vào Trung Quốc

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất khẩu gấp 3 lần GDP trong năm 2019. Độ mở này khiến chúng ta hấp thụ đầy đủ và khuếch đại cú sốc tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu và cú sốc Covid-19 hay giá dầu gần đây là ví dụ điển hình. Độ mở này khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam nhạy cảm với tăng trưởng xuất khẩu, khi tổng cầu thế giới giảm thì xuất khẩu Việt Nam giảm theo, làm cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ yếu kém nhiều trong năm nay.

Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Nếu dự báo của IMF về tăng trưởng âm thành sự thật thì xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn nghiệm trọng. Như vậy phục hồi kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào hoạt động đầu tư và các hoạt động còn lại.

Mặc dù xuất khẩu vẫn phải là mũi nhọn quan trọng cho chiến lược vĩ mô, nhưng nếu có thể đa dạng hóa thị trường đầu vào và ra nhằm giúp giảm tính bấp bênh, thì có thể lấp đầy các phân khúc sản phẩm khác nhau ở các thị trường khác nhau, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của thị trường xuất khẩu Việt Nam.

Dịch Covid-19 làm chúng ta phải đánh giá lại sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là tính tự chủ. “Phải thừa nhận rằng Việt Nam quá phụ thuộc vào đầu vào và đầu ra từ Trung Quốc và Việt Nam phải giải bài toán thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, phát triển đa dạng nhà cung cấp đến từ toàn cầu. Dịch bệnh lần này buộc các nhà kinh tế học phải cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng với trạng thái bình thường mới”, PGS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói thêm.

Kinh tế Việt Nam đang ở vùng chạm đáy

Gần đây Chính phủ đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế như đẩy mạnh đầu tư công – một trong những động lực tăng trưởng kinh tế, tranh thủ làn sóng FDI. Nếu nói đến tranh thủ làn sóng dịch chuyển đầu tư thế giới khi chiến tranh Mỹ - Trung bùng nổ thì Việt Nam là ứng viên sáng giá. Nhưng Indonesia đã đàm phán thành công với Mỹ để thu hút 27 nhà máy từ Trung Quốc. Đây cũng là tin buồn cho việc thu hút FDI của Việt Nam.

Động cơ nữa để kích thích tiêu dùng, kích thích đầu tư là nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng tín dụng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất, nới lỏng khoản cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19. Nhưng tín dụng dựa trên đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất sinh lợi, cho nên trong bối cảnh rủi ro tăng cao do dịch bệnh, thì việc ngân hàng giữ nguyên lãi suất như hiện tại đã là khó khăn, huống hồ giảm lãi suất.

Nếu như nhân viên ngân hàng linh động nới lỏng điều kiện cho vay trong quá trình thẩm định các dự án, nếu sau này các dự án không hiệu quả, hình thành các khoản nợ xấu, gây ra rủi ro pháp lý cho các ngân hàng và nhân viên tín dụng. Nếu nguyên nhân từ Covid-19 liệu có giúp họ tránh khỏi chế tài pháp lý hay không? Đây là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ 300,000 tỷ gặp khó khăn trong thực tiễn. Những vấn đề này cần phải tháo gỡ và vượt qua nếu muốn nền kinh tế phục hồi.

Muốn biết sự phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào, thì phải trả lời được kinh tế Việt Nam đã chạm đáy hay đang rơi ở phần đáy. Thực tế đồ thị tăng trưởng kinh tế không lý tưởng như hình chữ U hay V được các nhà kinh tế học đề cập. Do đó, quá trình phụ hồi kinh tế rất khó để dự đoán trước và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước mắt, có nhiều câu chuyện các doanh nghiệp thích ứng được trong đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự như cho máy móc hoạt động cầm chừng, hàng tồn kho, đầu ra ứ đọng… Nếu 2-3 tháng tới, mọi hoạt động không trở lại bình thường thì nhiều công ty buộc phải sa thải nhân viên và đóng cửa. Do đó PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng chúng ta đang ở vùng chạm đáy, tuy nhiên phải mất thêm thời gian để các gói hỗ trợ phát huy tác dụng giúp nền kinh tế phục hồi.

Cát Lam

FILI