World Bank sẽ hỗ trợ tiếp 1.4 tỷ USD cho các quốc gia chống dịch Covid-19

 

World Bank sẽ hỗ trợ tiếp 1.4 tỷ USD cho các quốc gia chống dịch Covid-19

Dự kiến đến cuối tháng 4/2020, WB sẽ phê duyệt gói hỗ trợ cho 38 quốc gia tiếp theo với tổng số vốn là 1.4 tỷ USD.

 

Tại thông báo phát đi mới nhất ngày 2/4/2020, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) David Malpass cho biết: “Ngân hàng Thế giới tại các quốc gia đã nhanh chóng và chủ động họp bàn để thống nhất phương thức triển khai các nguồn lực từ các chương trình hiện có để hỗ trợ các nước ứng phó với dịch COVID-19, thông qua các hình thức tái cấu trúc, tái phân bổ, kích hoạt các điều khoản hỗ trợ khẩn cấp để giúp các quốc gia nhanh chóng khôi phục nền kinh tế”.

Hỗ trợ của WB giúp các quốc gia vượt qua dịch bệnh

Do thiệt hại kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra ngày càng gia tăng, Chính phủ các nước đã công bố các gói biện pháp chính sách mới nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh. WB đã nhanh chóng hợp tác với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế và đưa ra những gói hỗ trợ cấp, phân tích chính sách và những hỗ trợ thiết yếu khác trong lĩnh vực y tế.

Ngày 3/3/2020, Ban Lãnh đạo WB đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên lên tới 14 tỷ USD nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với các tác động y tế và kinh tế của dịch bệnh.

Theo thông báo của Chủ tịch WB tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo G20 ngày 26/3/2020, gói hỗ trợ thứ hai với giá trị khoảng 160 tỷ USD sẽ dành để hỗ trợ các nước trong giai đoạn 15 tháng tiếp theo và gói hỗ trợ thứ 3 muộn nhất vào tháng 6/2023 với giá trị lên tới 350 tỷ USD kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế của các nước, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển.

Tính tới cuối tháng 3/2020, 25 quốc gia đã đề xuất và được WB phê duyệt gói hỗ trợ khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 1.9 tỷ USD. Dự kiến đến cuối tháng 4/2020, WB sẽ phê duyệt gói hỗ trợ cho 38 quốc gia tiếp theo với tổng số vốn là 1.4 tỷ USD. Hỗ trợ của WB nhằm tập trung vào các gói giải pháp hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu y tế thiết yếu và hỗ trợ ứng phó với tác động kinh tế và xã hội.

Đề xuất dành cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, WB cho rằng các giải pháp nên được thiết kế cho từng giai đoạn nhỏ. Trong ngắn hạn mặc dù chính sách tài khóa không quá ảnh hưởng do những thành công bước đầu Chính phủ đã đạt được sau khi cải cách chính sách tài khóa giai đoạn vừa qua, tăng chi ngân sách hay giảm thuế không có mục tiêu rõ ràng sẽ tạo tín hiệu sai lệch cho khu vực tư nhân, do đó khu vực này có thể phản ứng bằng những hành vi thận trọng hơn, dẫn tới tiêu dùng và đầu tư ít hơn.

Đầu tiên là hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng cách kết hợp giảm thuế hoặc gia hạn thời gian đóng thuế, hỗ trợ tín dụng và các biện pháp an sinh xã hội.

Bước thứ hai là triển khai một số giải pháp kích cầu, đặc biệt thông qua đẩy nhanh thực hiện chương trình đầu tư công.

Cuối cùng, sẽ tập trung vào các cải cách cơ cấu để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương trước những cú sốc tương tự và giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập trung bình cao và thu nhập cao trong vài thập kỷ tới.

Một gói hỗ trợ kinh tế với các điều khoản tương đối thuận lợi cũng đã được WB đề xuất với Chính phủ và hiện đang được xem xét phù hợp với cơ chế chính sách trong nước.

Hàn Đông

FILI