VDSC: Rủi ro giảm điểm vẫn ở mức cao trong tháng 4

VDSC: Rủi ro giảm điểm vẫn ở mức cao trong tháng 4

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng dù dịch Covid-19 có thể được khống chế trong quý 2/2020, song mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch vẫn khó lường. Trong kịch bản kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp có thể nặng hơn dự báo. Theo VDSC, các ý tưởng đầu tư cho tháng 4/2020 bao gồm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hoặc các công ty có nền tảng vững chắc và bị bán quá mức.

Triển vọng thị trường chứng khoán quý 4/2020: Rủi ro vẫn ở mức cao 

VDSC nhận thấy rủi ro của thị trường đã phần nào giảm bớt khi mà các chỉ số VIX và chỉ số 5 năm CDS của Việt Nam đã lao dốc 38% và 12% so với mức đỉnh trong tháng 3/2020. Cùng thời điểm đó, mức độ bán ròng của khối ngoại cũng đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có phiên chuyển sang trạng thái mua ròng trên sàn HOSE. VDSC không kỳ vọng khối ngoại có thể chuyển sang mua ròng ngay trong tháng 4/2020 khi mà các chỉ số rủi ro còn đang ở mức cao, tuy nhiên mức độ bán ròng có thể bớt gắt gao hơn so với tháng 3.

Ở khía cạnh cơ bản, theo thống kê của Bloomberg, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) vẫn tăng trưởng 5% trong năm 2020. Mặc dù vậy PE dự phóng của 2020 hiện nay đã giảm hơn 25% so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán. Nguyên nhân có thể từ việc thị trường đang cho rằng tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài trong khi đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý 2. Mặc dù rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống và thị trường đã phản ánh một trường hợp tiêu cực, VDSC cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn còn cao.

Thứ nhất, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới khi mà khối ngoại đang chiếm hơn 20% giá trị vốn hóa sàn HOSE và giao dịch của khối ngoại luôn có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh đó, thị trường Mỹ có xác suất cao sẽ giảm trở lại mặc dù đã hồi phục mạnh trong thời gian qua. Theo thống kê từ Bloomberg và Barclays Research, thị trường Mỹ thường xuyên hồi phục trước khi chạm đáy trong thị trường gấu.

Thứ hai, mặc dù VDSC cho rằng dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý 2, nhưng mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới là một ẩn số khó lường. Việt Nam và một số nước đã ban hành lệnh giãn cách xã hội hay phong tỏa toàn quốc đến giữa và cuối tháng 4/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong trường hợp Việt Nam và các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu kéo dài thời hạn, ”cú shock cầu” có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn dự báo.

Rủi ro thị trường tiếp tục biến động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ. Vùng điểm dao động trong tháng 4/2020 của VN-Index được kỳ vọng ở mức 630 -750 điểm.

Chọn cổ phiếu đầu tư dài hạn

Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại các quốc gia ngoài Trung Quốc kể từ giữa tháng 3 đã dẫn đến phản ứng cực đoan của các nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu, do mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, VDSC cho rằng khủng hoảng thanh khoản hoặc khủng hoảng nợ sẽ chưa xảy ra nhờ các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ kịp thời từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tình hình phong tỏa, không chỉ ở Việt Nam, mà tại các quốc gia là đối tác thương mại chính của Việt Nam có thể dẫn đến cú sốc cầu ngắn hạn. Hoạt động kinh tế chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các công ty trong năm 2020.

Với kịch bản cơ sở là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020 trên toàn cầu, VDSC rút ra các kết luận rằng các ngành sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch bao gồm hàng không, dệt may, bảo hiểm, dầu khí, chứng khoán, bán lẻ, logistics và xây dựng. Cú sốc cầu mạnh hơn cú sốc cung. Một số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những doanh nghiệp khác.

Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ chỉ giúp các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, hơn là thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Trong khi đó, hầu hết các lĩnh vực có thể phục hồi nhanh chóng sau khi kết thúc đại dịch, đặc biệt là các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, thực phẩm và đồ uống (sữa) và điện.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế và EPS của VDSC cho năm 2020 lần lượt là 11% và 7% so cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng dự phóng là 22% và 18% vào đầu năm. Công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng, tài chính và ngân hàng là những ngành sẽ có sự điều chỉnh giảm mạnh.

Sau một năm 2020 đầy khó khăn, năm 2021 dự báo sẽ là một năm tăng trưởng cao cho các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng và ngân hàng.

Đánh giá các ngành của VDSC trong năm 2020 và 2021

Nhìn chung lại, VDSC tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục biến động mạnh cho đến khi có những tín hiệu cho thấy đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu.

Các chỉ số VN30 và VNMid đã giảm lần lượt gần 31% và 29% kể từ đầu năm 2020. Nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh về mức thấp trong nhiều năm, một số công ty bắt đầu đăng ký mua cổ phiếu quỹ hoặc cổ đông nội bộ đăng ký mua vào nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Hành động này có thể đang hàm ý về việc giá cổ phiếu đang được giao dịch dưới mức giá trị thực.

Do vậy, VDSC cho rằng các nhà đầu tư nên xem xét cẩn trọng nền tảng cơ bản của các công ty và dòng tiền nhàn rỗi trước khi quyết định đầu tư theo luồng thông tin trên. Sự biến động mạnh của thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mua vào cổ phiếu bị định giá thấp so với giá trị thực. Đối với hầu hết các nhà đầu tư, VDSC khuyến nghị rằng chiến lược mua và nắm giữ ở mức giá thấp vẫn có thể áp dụng trong thời điểm này. Các ý tưởng đầu tư cho tháng 4/2020 bao gồm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hoặc các công ty có nền tảng vững chắc và bị bán quá mức.

Duy Na

FILI