Tái diễn điệp khúc lệch pha lãi lỗ sau kiểm toán

Tái diễn điệp khúc lệch pha lãi lỗ sau kiểm toán

Báo cáo tài chính kiểm toán vừa đưa ra cũng là lúc bức tranh kết quả kinh doanh thật sự của doanh nghiệp được bộc lộ rõ nét. Có những doanh nghiệp sụt giảm mạnh lãi sau thuế, nhưng sau kiểm toán lại tăng vượt trội. Thậm chí có những doanh nghiệp mà con số lãi biến thành lỗ hoặc ngược lại. Không phải những con số kiểm toán đưa ra đều trùng khớp với con số các doanh nghiệp tự lập. Vậy thì lý do là gì?

Lãi tăng cả trăm tỷ đồng sau kiểm toán

Sau kiểm toán, lãi ròng Viễn Liên (HNX: UNI) tăng 380% so với báo cáo tự lập, nhưng con số đạt được cũng chỉ 5 triệu đồng. Đây cũng là con số thấp nhất mà UNI đạt được trong suốt 8 năm gần đây.

Về tuyệt đối, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNXPVS) là đơn vị có lãi tăng mạnh nhất sau kiểm toán. Cụ thể, lãi ròng PVS đã tăng gần 128 tỷ đồng (tăng gần 19%) so với con số trong báo cáo tự lập, đạt 808 tỷ đồng. Biến động này chủ yếu là nhờ phần lãi trong đơn vị liên doanh, liên kết tăng do hợp đồng cung cấp, cho thuê FPSO PTSC Lam Sơn tại lô 01/97 và 02/97 đã được ký kết chính thức ngày 16/03/2020, ngoài ra còn có kết quả một số liên doanh, liên kết khác cũng tăng sau kiểm toán.

Tiếp theo, lãi sau thuế của Đầu tư IDJ Việt Nam (HNXIDJ) ghi nhận gấp gần 5 lần, đạt 29 tỷ đồng so với trước kiểm toán (hơn 6 tỷ đồng).

Được biết, Công ty mẹ IDJ dự kiến hạch toán phần điều chỉnh giá trị nghiệm thu hạng mục tổng thầu xây dựng dự án Apec Aqua Park Bắc Giang vào quý 1/2020. Tuy nhiên, do hồ sơ nghiệm thu giữa IDJ và nhà cung cấp được ghi nhận tháng 12/2019, nên kiểm toán đã yêu cầu ghi nhận phần doanh thu này vào năm 2019.

Than Đèo Nai - Vinacomin (HNXTDN) cũng ghi nhận lãi sau thuế 2019 sau kiểm toán tăng gần 19 tỷ đồng, lên mức gần 101 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu bán hàng tại BCTC sau kiểm toán của TDN tăng 7.3% so với trước kiểm toán, lên hơn 3,450 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2019, Công ty hoàn nhập chi phí dự phòng tài chính (hơn 10 tỷ đồng vốn góp đầu tư Nhiệt điện Cẩm Phả).

Ngoài ra còn một số cái tên lãi tăng trên 1 tỷ đồng như AAV, SII, MDC, NBC

Các doanh nghiệp tăng lãi trên 10% sau kiểm toán năm 2019
(Đvt: Triệu đồng)

Lãi giảm đột biến

Chênh lệch lớn nhất không thể không nhắc đến là Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) khi mà sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa, từ hơn 1,072 tỷ đồng trước kiểm toán xuống chỉ còn gần 522 tỷ đồng, là do khá nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và Công ty liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí.

Cụ thể, sau khi ký hợp đồng, xác nhận giá bán vào đầu năm 2020 cùng với việc khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại và dòng tiền về CII đã diễn ra vào năm 2019, nên CII đã ghi nhận doanh thu. Tương tự, CII đã không ghi nhận chi phí liên quan đến việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành cho Nhà đầu tư Hàn Quốc, vì theo Công ty nghiệp vụ trái phiếu chưa chắc xảy ra.

Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNXKLF) cũng ghi nhận lãi sau thuế 2019 giảm chỉ còn 1.4 tỷ đồng, giảm 88% so với trong báo cáo tự lập (12 tỷ đồng) nguyên nhân do Công ty đã trích lập bổ sung một số khoản phải thu và dự phòng khoản đầu tư vào Công ty liên kết.

Các doanh nghiệp giảm lãi trên 20% sau kiểm toán năm 2019
(Đvt: Triệu đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Hay như Camimex Group (HOSE: CMX), lãi sau kiểm toán 2019 bốc hơi gần 63 tỷ đồng, tức giảm 45%, chỉ còn 78 tỷ đồng. Theo Công ty, lãi gộp ghi nhận giảm gần 14 tỷ đồng do kiểm toán trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Kết quả hoạt động tài chính của CMX giảm gần 47 tỷ đồng do điều chỉnh thay đổi lại tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013 làm ảnh hưởng lợi nhuận.

Cùng cảnh ngộ, Than Hà Lầm - Vinacomin (HNXHLC) cũng ghi nhận lãi sau thuế năm 2019 giảm hơn một nửa sau kiểm toán, xuống còn hơn 20 tỷ đồng trong khi trước kiểm toán ghi nhận gần 51 tỷ đồng. HLC giải trình nguyên nhân là do Công ty kiểm toán tính toán và điều chỉnh lại chi phí phân bổ trong kỳ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng ghi nhận lãi giảm mạnh như LUT (giảm 82%), SDU (giảm 77%), LEC (giảm 77%), VC1 (67%) …

7 doanh nghiệp giảm lỗ

Sông Đà 2 (HNXSD2) ghi nhận giảm lỗ đến 15 tỷ đồng sau kiểm toán, xuống mức lỗ hơn 26 tỷ đồng do SD2 giảm giá vốn hàng bán các công trình, tăng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn, tăng chi phí khác do ghi nhận chi phí của dự án dừng triển khai và chi phí thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu năm 2018, giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiêp hiện hành.

Các doanh nghiệp giảm lỗ sau kiểm toán năm 2019 (Đvt: Triệu đồng)
          Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, khoản lỗ của một số Công ty sau kiểm toán cũng giảm đáng kể như QBS (hơn 3 tỷ đồng), PGT (hơn 2 tỷ đồng), VCR (98 triệu đồng)…

Lỗ chồng lỗ

Hùng Vương (HOSE: HVG) là doanh nghiệp thủy sản duy nhất đã lỗ lại còn lỗ nặng hơn sau kiểm toán. Trước kiểm toán, HVG ghi nhận lỗ gần 497 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán đã tăng lên hơn 1,123 tỷ đồng.

So sánh số liệu tại BCTC kiểm toán và BCTC tự lập, doanh thu năm vừa qua của HVG tăng nhưng biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 6.7% xuống còn 4.4%. Thêm vào đó, mọi chi phí từ tài chính (chủ yếu là lãi vay), bán hàng cho đến quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể, đi kèm với việc tăng lỗ ghi nhận từ liên kết và liên doanh.

Đáng chú ý là tại khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp, khi phần trích dự phòng phải thu khó đòi của HVG tăng từ mức 221 tỷ đồng lên đến hơn 440 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn trong năm 2019 đã nâng lỗ lũy kế của Công ty tính đến 30/09/2019 lên mức xấp xỉ 1,489 tỷ đồng.

Chung số phận, Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) cũng ghi nhận lỗ tăng thêm gần 13 tỷ đồng, từ khoản lỗ hơn 370 tỷ đồng trong báo cáo tự lập,  sau kiểm toán tăng lỗ gần 383 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán năm 2019 (Đvt: Triệu đồng)
                  (*) Niên độ tài chính bắt đầu từ 01/10/2018 - 30/09/2019

Số phận thay đổi sau kiểm toán

Trong năm 2019, có 4 doanh nghiệp từ lãi hóa lỗ và duy nhất 1 doanh nghiệp được cứu vớt có lãi. Đó là Sông Đà 10 (HNXSDT) khi lãi sau thuế 2019 trước kiểm toán ghi nhận âm hơn 1 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán lại ghi nhận lãi hơn 1.7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số lãi này vẫn sụt giảm 79% so với năm trước. Giải trình của Công ty, cho rằng giá trị sản lượng tại công trình thủy điện Nam - Emoun không đạt kế hoạch, do tổng thầu thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật, bàn giao mặt bằng chậm so với kế hoạch đề ra, cho nên làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu doanh thu. Bên cạnh đó, tại công trình thủy điện Xekaman3, đơn vị phải dừng thi công do Chủ đầu tư thiếu vốn thanh toán, do vậy  làm giảm doanh thu.

Đáng chú ý, Sông Đà Cao Cường (HNXSCL) chuyển lãi từ 609 triệu đồng sang lỗ hơn 4 tỷ đồng sau kiểm toán. Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp mà SCL ghi nhận lỗ (năm 2017 và 2018 lần lượt lỗ gần 10 tỷ đồng và hơn 14 tỷ đồng). Do đó, SCL chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX.

Ngoài ra, DXVPXI cũng là hai đơn vị chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán.

Tiên Tiên

FILI