Ngắm máy bay “khủng” Boeing tặng Chính phủ Mỹ chở hàng cứu trợ

Ngắm máy bay “khủng” Boeing tặng Chính phủ Mỹ chở hàng cứu trợ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo Boeing sẽ tặng 3 trong số 4 chiếc máy bay Dreamlifter để hỗ trợ Nhà Trắng trong cuộc chiến chống virus corona.

Ý tưởng cho Dreamlifter, phiên bản nâng cao của máy bay vận tải Boeing 747-400 hiện có, xuất hiện khi Boeing cần vận chuyển nhanh chóng các bộ phận của chiếc 787 Dreamliner mang tính cách mạng của họ. Dreamlifter được thiết kế đặc biệt để vận chuyển cánh và các bộ phận khác của Dreamliner nhằm giảm thời gian vận chuyển vì việc sản xuất loại máy bay này được thực hiện ở nhiều nơi trên toàn cầu.

Mặc dù chủ yếu sử dụng riêng nhưng Boeing cũng nhận sản xuất cho các công ty vận chuyển hàng hóa khác. Evergreen International Airlines, một hãng hàng không quốc tế hiện không còn tồn tại, là tên tuổi đầu tiên sử dụng loại máy bay này. “Đại gia” vận chuyển hàng hóa Atlas Air của Mỹ sau đó cũng được Boeing ký hợp đồng, như một phần trong thỏa thuận bồi thường của Boeing dành cho họ vì chậm giao chiếc Boeing 747-8i.

Trung tâm của con “chim sắt” khổng lồ này là phần thân có thể tích lên tới 65,000 mét khối, cho phép nó chở được hai cánh của Dreamliner hoặc nhiều mảnh thân máy bay Boeing 787.

Không giống các máy bay vận tải hàng hóa tiêu chuẩn Boeing 747, hàng hóa được chất lên và dỡ xuống thông qua phần sau của máy bay.

Chiếc này cũng có khoang chứa hàng tiêu chuẩn ở phần bụng như trên các máy bay chở khách.

Phần sau của nó có gắn bản lề để hoạt động như chiếc cửa xoay, một thiết kế lý tưởng để chất các món hàng quá khổ lên.

Máy bay này được sử dụng để bay qua lại giữa các cơ sở trên toàn cầu của Boeing, với hầu hết chuyến bay bắt đầu hoặc kết thúc tại Everett, Washington, hoặc North Charleston, South Carolina. Đây là hình ảnh tại Paine Field ở Everett, Washington, nơi Boeing sản xuất các biến thể 787-8 và 787-9. Việc sản xuất 787-10 chủ yếu được thực hiện tại cơ sở North Charleston của Boeing.

Dù kích thước “khủng” của Dreamlifter đủ khiến mọi người ngoái nhìn, loại máy bay này từng thu hút sự chú ý của công chúng khi vô tình hạ cánh nhầm sân bay ở Wichita, Kansas, thay vì căn cứ không quân McConnell. Bất chấp sự cố đó, Dreamlifter đã chứng tỏ là công cụ sống còn của Boeing trong việc sản xuất Dreamliner bằng cách giảm đáng kể thời gian vận chuyển các bộ phận.

Mặc dù loại máy bay này có kích thước “khủng” nhưng gọi là "máy bay lớn nhất thế giới" như cách nói của ông Trump là không chính xác. Máy bay lớn nhất thế giới tính theo sải cánh là Antonov AN-225 Mriya, một máy bay thời Liên Xô cũ vẫn đang hoạt động cho một hãng vận tải hàng hóa của Ukraine.

Dreamlifter không phải là máy bay chở hàng “khủng” duy nhất vì Airbus đã phát triển chiếc A300-600ST với thiết kế tương tự để chở các bộ phận máy bay trên khắp thế giới.

Ngoài ra, Airbus còn có BelugaXL với kích thước lớn hơn, được thiết kế để chở các cánh của máy bay Air350 A350 XWB.

Trong thời gian việc đi lại bằng đường hàng không và dây chuyền sản xuất của Boeing giảm xuống, Dreamlifter sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho nỗ lực đánh bại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Nhã Thanh (Theo Business Insider)

FILI