Góc nhìn Bất động sản: Những nỗi đau khó nói của cư dân Khu Nam

Kỳ 5

Góc nhìn Bất động sản: Những nỗi đau khó nói của cư dân Khu Nam

Dù khu Nam được giới đầu tư đánh giá là nơi có quy hoạch đồng bộ và khang trang nhất TP Hồ Chí Minh nhưng cư dân sống tại khu vực này luôn phải sống chung với kẹt xe, triều cường và mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước.

Chứng khoán Cơ bản - Nền tảng vững chắc, đầu tư thành công

Chứng khoán Phái sinh nhập môn - Kiếm tiền ngay cả khi thị trường lao dốc

Nhà giàu cũng khóc

Đa Phước hiện là bãi rác lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 6,000 tấn rác, chiếm 2/3 lượng rác thải sinh hoạt cả thành phố và được xử lý chủ yếu theo cách chôn lấp. Mặt khác, bãi rác hiện đã vượt độ cao quy chuẩn nên dẫn đến mùi hôi phát tán ra xung quanh. Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, mùi hôi lại càng nồng nặc và lan xa.

Chính vì vậy, trong khoảng 4 năm trở lại đây, cư dân sống tại khu vực phía Nam thành phố (bao gồm Quận 7, Quận 8, Huyện Nhà Bè và Huyện Bình Chánh) luôn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm do mùi hôi bốc lên từ bãi chôn lấp rác của Khu xử lý rác Đa Phước.

Vị trí Khu xử lý rác Đa Phước nằm đầu hướng gió Tây Nam. Nguồn: Zing.vn

Đỉnh điểm là những đợt gió Tây Nam sau mưa hay lúc nửa đêm đẩy mùi hôi thối về các khu dân cư. Đặc biệt là những nhà có mặt tiền cùng hướng gió Tây - Nam là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Thậm chí, ngay cả những biệt thự của khu “nhà giàu” Phú Mỹ Hưng cũng phải chịu trận suốt 4 năm qua. Chính điều này đã khiến cho sinh hoạt của các hộ dân nơi đây gặp không ít xáo trộn, bức xúc. Dù thành phố đã triển khai nhiều phương án nhằm giảm thiểu mùi hôi nhưng vẫn chưa cho thấy hiệu quả đáng kể.

Nếu tình trạng này kéo dài thì thị trường bất động sản khu Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Khu Đông vốn đang tạo sức hút mạnh với các dự án hạ tầng quy mô lớn. Còn khu Tây có mặt bằng giá nhà đất nền và căn hộ rẻ hơn. Do đó, nếu vấn đề môi trường này không xử lý triệt để thì khả năng cạnh tranh của Khu Nam sẽ bị giảm đi đáng kể.

Toàn cảnh Khu xử lý rác Đa Phước tại Huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Báo Tiêu Dùng

Mưa thì ngập, không mưa cũng ngập

Địa hình của TP Hồ Chí Minh có độ dốc từ Bắc xuống Nam, tức cao ở phía Bắc và thấp dần xuống phía Nam. Từ thời Pháp, khu vực phía Nam bao gồm Quận 7, Huyện Nhà Bè, Bình Chánh được bảo tồn, không xây dựng nhiều và cũng không được trú trọng phát triển như các khu vực khác. Mục tiêu là để thoát nước cho thành phố do đây là vùng trũng.

Tuy nhiên, sau thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước đổ xô về khu vực này để xây dự án một cách vô tội vạ. Nhiều kênh rạch, ao hồ điều hòa bị san lấp khiến cho quá trình thoát nước khi trời mưa gặp khó khăn.

Mặt khác, hiện tượng triều cường ngày càng diễn biến phức tạp. Các chuyên gia khí tượng dự báo TP Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều đợt triều cường cao hơn mốc kỷ lục 1.8 m trong những năm tới do biến đổi khí hậu và sụt lún nền đất. Vì vậy, dân khu Nam thường xuyên phải gặp cảnh “không mưa cũng ngập”.

Tất cả những điều này làm cho tình trạng ngập nước tại nhiều cung đường tại khu Nam như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Phú Định (Quận 8), Quốc lộ 50 (Huyện Bình Chánh), đường Lê Văn Lương (Huyện Nhà Bè)... ngày càng trầm trọng.

Ngập sâu trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Báo Lao Động

Nên mua nhà riêng hay chung cư ở khu Nam?

Tình trạng ngập nước tại khu Nam đang là vấn đề nan giải cho cả cơ quan chức năng và người dân. Chính vì vậy, bên cạnh các yếu tố như vị trí, giá bán hay tiện ích thì nhiều người mua nhà cần phải tìm hiểu xem nơi mình sắp sinh sống có thường xuyên bị ngập hay không?

Như đã đề cập ở trên, địa hình thành phố thấp dần từ Bắc xuống Nam nên mỗi khi có triều cường hay mưa lớn thì khu Nam sẽ là khu ngập nặng nhất. Theo các chuyên gia bất động sản, lời khuyên tốt nhất cho những người có dự định về khu Nam sinh sống và muốn tránh tình trạng ngập nước ở đây thì nên lựa chọn ở nhà chung cư thay vì mua nhà riêng.

Bởi vì khi mua chung cư bạn sẽ không phải mất vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sau khi nước rút, hoặc tệ hơn là “sống chung với lũ” một thời gian dài. Chưa kể, nếu nhà thấp hơn mặt đường thì bạn phải tốn không ít chi phí để cải tạo, nâng cao nền.

Trong khi đó, nếu sống trong một căn hộ chung cư thì cùng lắm bạn chỉ lội nước trên quãng đường từ chỗ làm về nhà thôi. Sau khi đã về tới chung cư thì không phải trả lời câu hỏi “Nước có tràn vào nhà mình hay không?”.

Kỳ 1: Quy hoạch quá khứ đã lỗi thời

Kỳ 2: Trung tâm đã quá chật chội

Kỳ 3: Trung tâm đã quá chật chội (tiếp theo)

Kỳ 4: Khu Nam tiếp tục khẳng định đẳng cấp

Đón đọc:

Kỳ 6 - Khu Đông là ngôi sao đang lên

Thế Phong

FILI