Doanh nghiệp lớn có lợi thế để vượt qua cơn bão

Doanh nghiệp lớn có lợi thế để vượt qua cơn bão

Khi mà các công ty nhỏ chẳng biết số phận sẽ đi đâu về đâu, những ông lớn đang nắm nhiều lợi thế để đánh chiếm thị phần và tiếp tục vượt lên sau cuộc bể dâu vì Covid-19.

Gói cứu trợ hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được Chính phủ công bố. Nhưng kể cả khi các chính sách hỗ trợ giúp cho nền kinh tế vượt qua cơn bão, nhiều thứ vẫn sẽ thay đổi. Một trong số đó có lẽ là sự rơi rụng của những doanh nghiệp nhỏ.

Trong môi trường biến động lần này, lợi thế không thuộc về các doanh nghiệp nhỏ, những công ty vốn được xem là sẽ dễ dàng xoay xở hơn, bởi lẽ sự giới hạn về nguồn lực sẽ xây nên bức tường ngăn cách họ và tương lai.

Thời của 'cơ bắp'

Virus Corona ập đến sau giai đoạn làm ăn tốt đẹp (2016-2019) của các doanh nghiệp niêm yết. Trong thời gian này, những ông lớn đầu ngành đã tích lũy được nguồn lực dồi dào.

Chỉ cách đây mấy tháng, một nhà phân tích có thể đặt vấn đề rằng việc nắm giữ quá nhiều tiền mặt sẽ làm giảm hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) hay trên tài sản (ROA) của những ông lớn. Giờ đây, khi mọi thứ xoay vần, đấy chính là thứ mà giới đầu tư thèm muốn tại doanh nghiệp.

Hũ bạc dưới gầm giường
- So sánh trong tổng tài sản, lượng tiền của những doanh nghiệp này chiếm khoảng 20-30% (GVR, VNM) cho đến quá nửa (VEA, ACV, SAB)
- Nợ vay ngắn hạn cũng thấp hơn nhiều so với lượng tiền nắm giữ, thậm chí là không đáng kể
Đvt: Ngàn tỷ đồng

Uy tín và khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp lớn. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của các doanh nghiệp đầu ngành, không khó để bạn có thể bắt gặp sự tham dự của những giám đốc nhà băng. Đấy là minh chứng cho quan hệ làm ăn khắng khít của đôi bên. Về phía các doanh nghiệp nhỏ, họ khó mơ đến những mối quan hệ tốt đẹp như vậy với giới ngân hàng.

KHÓA HỌC ONLINE

Chứng khoán Cơ bản

  • Khai giảng: 15/4/2020
  • Ưu đãi 50% ++

Hotline: 0908 16 98 98

>>Đăng ký ngay

Như đối với hãng bán lẻ Thế Giới Di Động (HOSE: MWG), hơn 13 ngàn tỷ đồng vay ngắn hạn (cuối năm 2019) của doanh nghiệp này đều là vay tín chấp. Để đảm bảo sức khỏe tài chính trong mùa Covid-19, theo chia sẻ mới đây của Ban lãnh đạo MWG, hãng đã chủ động làm việc với các ngân hàng và được hỗ trợ giảm lãi suất và giãn thời gian thanh toán các khoản vay.

"Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo", câu nói của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, trong buổi hội thảo trực tuyến mới đây của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, đã tóm gọn đầy đủ vấn đề. Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn trong mùa dịch, kể cả khi họ là những nhà sản xuất các sản phẩm thiết yếu như nông sản, thực phẩm.

Trong giai đoạn khủng hoảng, tiền là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp sống sót, và khi cơn bão qua đi thì đây cũng là nguồn lực để họ có thể kinh doanh trở lại.

Vào thời điểm mà sự suy thoái chạm đáy và các hoạt động kinh tế bắt đầu khởi sắc, các doanh nghiệp lớn có khả năng, nguồn lực để ký kết hợp đồng, triển khai đơn hàng khi nhu cầu quay trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, vốn ở thế yếu, cùng nguồn lực mỏng sẽ phải quay cuồng tìm cách đáp ứng những đơn hàng mới, nếu chúng có thể tìm đến họ.

Bên cạnh tín dụng từ ngân hàng, doanh nghiệp lớn cũng có thể gọi vốn từ nhiều nguồn hơn so với những đối thủ nhỏ. Dù giai đoạn sắp tới sẽ đầy khó khăn, nhưng nếu xây dựng được kế hoạch hợp lý và giữ được lòng tin của cổ đông, doanh nghiệp lớn với uy tín của mình hoàn toàn có thể huy động nguồn lực từ việc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu.

Tiếng nói cũng là một sức mạnh của các doanh nghiệp lớn. Những công ty nhỏ thật khó mơ đến cơ hội được kiến nghị trực tiếp đến Thủ tướng Chính phủ, như những gì mà các đế chế tỷ đô Vingroup (HOSE: VIC), Thaco, Masan (HOSE: MSN), Vietjet (HOSE: VJC),… đã làm.

Về nguồn lực con người, doanh nghiệp lớn cũng có khả năng giữ chân nhân sự trong mùa dịch nhờ nguồn tài chính đủ mạnh. Một số hãng thậm chí vẫn đang tuyển dụng thêm, trong khi đó, nguồn lực hạn chế có thể đẩy những doanh nghiệp nhỏ đến tình cảnh phải cắt giảm nhân viên, thắt lưng buộc bụng.

Quy mô lớn và việc phát triển kinh doanh đa ngành cũng bồi đắp một sức chống chịu tốt hơn cho những người khổng lồ.

Với MWG, mảng kinh doanh điện thoại và điện máy đối diện thách thức chưa từng có, việc làm ăn chững lại và nhiều khả năng sẽ sụt giảm trong tương lai gần vì virus Covid-19. Tuy nhiên, doanh thu tháng 3 vừa qua của MWG vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ đóng góp của Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ thực phẩm mà hãng này đẩy mạnh phát triển trong 3 năm gần đây.

Hay như MSN, nhà sản xuất các sản phẩm mì tôm, nước chấm,… hàng đầu Việt Nam đã hưởng lợi lớn khi người tiêu dùng đổ xô mua tích trữ thực phẩm. Và thậm chí, sự cộng hưởng lợi ích còn hơn thế đối với MSN, khi chỉ một thời gian ngắn trước khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp này đã hoàn thành thâu tóm chuỗi siêu thị hàng ngàn điểm bán Vinmart, Vinmart+ và ra mắt dòng sản phẩm thịt heo mát.

Đến nay, một số doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk (HOSE: VNM), MWG, Vicostone (HOSE: VCS), Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng đã công bố các kết quả kinh doanh cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Thừa Vân

FILI