Chủ tịch Mai Hữu Tín (TTF): "Nếu năm nay không có lãi thì tôi sẽ từ chức"

Trực tuyến

Chủ tịch Mai Hữu Tín (TTF): "Nếu năm nay không có lãi thì tôi sẽ từ chức"

“Đến nay chúng ta đã xử lý được tất cả những tồn đọng tại TTF. Nếu năm nay Công ty không có lời thì hãy đuổi chúng tôi đi. Nếu không tôi sẽ xin từ chức”, Chủ tịch Mai Hữu Tín khẳng định tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), chiều ngày 27/04/2020.

Mở đầu Đại hội, ông Tín cho biết, các thị trường xuất khẩu lớn của TTF có thể mở cửa vào ngày 01/06 trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát. "Chính xác khi nào các thị trường mở cửa là câu hỏi không có khả năng trả lời, nhưng TTF sẽ cố gắng nhất có thể".

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TTF diễn ra chiều ngày 27/04 tại Bình Dương

Theo vị Chủ tịch TTF, ngành gỗ Việt Nam đang cố gắng vươn lên vị trí thứ hai từ vị trí thứ năm, sau Trung Quốc, Đức, Ý và Malaysia. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu khó khăn trong bối cảnh của năm 2020. Tất cả thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam đã đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19. Tại Bình Dương có gần 20 nhà máy đã đóng cửa.

Dù vậy, “TTF chưa phải dừng hoạt động bất kỳ nhà máy nào”, ông Tín khẳng định.

Nhà máy tủ bếp vừa khánh thành cuối năm 2019 đã chạy liên tục trong mùa dịch và có đủ đơn hàng đến cuối 2020. Nhà máy TTF có nhiều đơn hàng nhất nếu so với các đơn vị cùng quy mô tại khu vực, ông Tín chia sẻ.

Bên cạnh đó, TTF đã thành lập liên doanh Casadora chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất có giá trị cao. Nhà thiết kế chính của Casadora là hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Milan, Ý.

Vài tháng nữa TTF sẽ tiếp tục thông tin chính thức rằng nhà máy sofa của Công ty sẽ là nhà sản xuất cho thương hiệu sofa số một thế giới. “Chúng tôi xin phép chưa nêu chi tiết”, ông Tín nói.

Về khoản lỗ khổng lồ trong năm 2019, ông Tín chia sẻ rằng "chúng là những con số cực kỳ xấu nhưng đó là điều chúng ta đã tính trước. Thay vì nhìn vào những báo cáo đó, chúng ta đã đi thăm các nhà máy để thấy tận mắt những việc TTF đang làm".

Bên trong nhà máy sản xuất tủ bếp của TTF:

 

Thứ còn thiếu là thị trường bán lẻ nội địa

Sứ Thiên Thanh đến nay đã có những bước chuyển mình. TTF đã đầu tư thêm để khai thác các khu đất "tuyệt đẹp" của Sứ Thiên Thanh và tăng công suất của doanh nghiệp này. “Sứ Thiên Thanh đã ký hợp đồng để có các lô hàng xuất khẩu đầu tiên trong lịch sử. Đây là lô hàng đi Mỹ. Hợp đồng đã ký, tiền cọc đã nhận và nhà máy đã chạy.”

TTF quyết định sẽ giữ lại các công ty chế biến gỗ tại Đắk Lắk (dù các đơn vị này hiện nợ ngân hàng nhiều và vốn đã âm) nhằm phục vụ việc sản xuất đồ gỗ ngoài trời. Theo đó, hai công ty tại Đắk Lắk sẽ được gộp làm một.

Tại Đại hội lần này, Chủ tịch Mai Hữu Tín cũng cho biết rất muốn biến TTF thành đơn vị chuyên thi công nội thất cho các công trình bất động sản nội địa. Tuy nhiên, đối tác lớn nhất trong nước không thể tạo ra đủ các dự án cho TTF, do những khó khăn khách quan của thị trường bất động sản thời gian qua.

Đối với mảng xuất khẩu, vị thế của TTF đang ngày càng vững chắc. Theo ông Tín, hiện có nhiều tập đoàn bán lẻ nội thất lớn trước nay không thèm ngó ngàng đến TTF, nhưng gần đây, đã bắt đầu giao các đơn hàng thử nghiệm cho Công ty sản xuất.

“Thứ chúng ta còn thiếu là thị trường bán lẻ nội địa.” - ông Tín nói.

Xử lý khoản nợ với Đông Á để phát triển

TTF vẫn còn lượng lớn gỗ tồn chưa thanh lý xong. Và nhiều trong đó là gỗ đang thế chấp tại ngân hàng Đông Á.

"Công ty không thể nào vay một đồng nào từ ngân hàng trong 3 năm qua. Đơn giản là vì các khoản vay cũ tại Đông Á là nợ xấu chưa giải quyết được. TTF và Đông Á đã có ít nhất là vài chục lần trao đổi, thậm chí, Đông Á đã khởi kiện TTF." - ông Tín chia sẻ.

TTF đã phải tìm cách hòa hoãn lại quá trình đòi nợ của Đông Á.

Toàn bộ tiền đầu tư nhà máy mới của TTF là tiền mà công ty tiết kiệm được những năm qua từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ. "TTF lâu nay đi thi công các công trình phải dùng chính tiền mặt của mình bỏ vào ngân hàng thì mới được họ phát hành bảo lãnh".

"Nếu xử lý được khoản vay với Đông Á thì chúng ta sẽ không còn nợ bất kỳ ngân hàng nào nữa. Chỉ còn nợ duy nhất Vingroup." - ông Tín chia sẻ.

Đó là lý do TTF trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phần để hoán đổi nợ. Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch, TTF không được phép phát hành dưới mệnh giá cho cổ đông hiện hữu, do đó, Công ty phải tiến hành phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ.

"Cổ phần sẽ bị pha loãng, và ta thấy được rằng, phải chịu thiệt thòi đôi chút nhưng là cơ hội giải quyết vấn đề về nợ tại TTF. Để Công ty có thể đi vay được." - ông Mai Hữu Tín cho biết.

Năm 2020 chắc chắn có lãi

Trả lời câu hỏi về việc liên tục lỡ kế hoạch kinh doanh các năm trước, ông Tín cho biết, "TTF lập kế hoạch không phải để lòe cổ đông. Tuy nhiên, chúng tôi càng xử lý thì càng gặp nhiều vấn đề không lường hết được."

"Đến nay, chúng ta đã xử lý được tất cả những tồn đọng tại TTF. Nếu năm nay Công ty không có lời thì hãy đuổi chúng tôi đi. Nếu không tôi sẽ xin từ chức." - ông Tín khẳng định.

"Đối với kế hoạch 2020, tôi tin rằng nếu muốn chúng ta có thể làm hơn cả những con số đó". Tuy nhiên, việc quan trọng nhất theo ông Tín vẫn là phải có lãi trước đã, vì nếu không, TTF sẽ bị hủy niêm yết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những phương án huy động vốn tương lai và hình ảnh của Công ty.

Năm 2020, TTF lên kế hoạch đạt 2,427 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 70 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Một thay đổi đáng chú ý nữa là việc cổ đông chấp thuận miễn nhiệm chức vụ HĐQT đối với ông Lê Văn Minh (nguyên Giám đốc Tài chính TTF) và bầu bổ sung ông Dương Quốc Nam, chủ thương hiệu nội thất Phố Xinh.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua, bao gồm tờ trình về phát hành cổ phần riêng lẻ nhằm hoán đổi nợ tại Đông Á.

Thừa Vân

FILI