Campuchia: Các tổ chức tài chính vi mô bắt đầu ứng phó Covid-19

Campuchia: Các tổ chức tài chính vi mô bắt đầu ứng phó Covid-19

Các tổ chức tài chính vi mô (MFI) tại Campuchia đang bắt tay vào việc tái cơ cấu các khoản cho vay với những khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hiệp hội Các tổ chức tài chính vi mô Campuchia (CMA) cho biết, Khmer Times đưa tin.

Hiện, CMA đang cùng các thành viên san sẻ khó khăn với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo CMA, tất cả thành viên đang giúp đỡ người dân Campuchia để họ có thể tiếp cận mọi dịch vụ tài chính và đảm bảo họ có được nguồn tài chính sẵn có và ổn định.

CMA cho rằng: “Trong tình cảnh này, chúng ta nên chung tay giải quyết vấn đề cho cả khách hàng và tổ chức tài chính. Tất cả thành viên của CMA đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19”.

CMA cho biết thêm để hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng, mỗi thành viên đã và đang thực hiện và giải quyết các vấn đề dựa trên những nguyên tắc nội bộ, tùy theo từng đối tượng khách hàng, mức độ ảnh hưởng và tình hình thực tế của mỗi khách hàng theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NCB).

"Để được tái cơ cấu khoản vay, tất cả khách hàng của các MFI cần liên hệ với nhà cho vay để trao đổi về tình hình của họ và tìm ra giải pháp dựa trên chiến lược ‘đôi bên cùng có lợi’ để tiếp tục phát triển lĩnh vực tài chính và nền kinh tế quốc gia. Họ nên cung cấp đầy đủ thông tin để giải quyết từng vấn đề của họ".

Với những khách hàng không hoặc ít bị ảnh hưởng và vẫn có thể trả nợ vay, CMA khuyến khích họ tiếp tục thanh toán hàng tháng để mỗi MFI sử dụng cơ hội này giúp đỡ những khách hàng bị ảnh hưởng”, CMA cho biết.

CMA sẽ cùng các thành viên theo dõi sát lĩnh vực tài chính vi mô và hành động ngay để giải quyết tất cả vấn đề phát sinh.

Về phía các MFI, theo Phó Chủ tịch kiêm Trưởng phòng marketing Say Sony của PRASAC, tổ chức này đã nhận được yêu cầu của một số khách hàng xin gia hạn các đợt thanh toán hoặc hoãn trả lãi vay.

Ông Say cho biết: “Một số khách hàng đã xin tái cơ cấu các khoản vay do không có thu nhập trong giai đoạn này. Chúng tôi sẽ thảo luận riêng với họ và nếu họ gặp khó khăn do Covid-19 và luôn trên tinh thần tự nguyện thanh toán thì chúng tôi sẽ tái cơ cấu khoản vay của họ và tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả 2 bên”.

Sok Voeun, Giám đốc điều hành của LOLC (Cambodia) Plc, cho biết đến nay, hầu hết khách hàng của công ty thanh toán các khoản vay đúng hạn, nhưng có một số khách hàng xin chỉ trả lãi trong 3 tháng và một số xin gia hạn trả cả nợ gốc lẫn lãi vay.

Ông Sok cho biết: “Hiện, công ty đang nghiên cứu yêu cầu tái cơ cấu khoản vay. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định nếu họ thật sự bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chúng tôi sẽ nghiên cứu các hồ sơ theo mỗi trường hợp cụ thể”.

Để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, hôm 27/03, NBC đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả ngân hàng và tổ chức tài chính tái cơ cấu các khoản cho vay để duy trì bình ổn tài chính, hỗ trợ hoạt động kinh tế và xoa dịu gánh nặng cho những khách hàng vay hứng chịu sụt giảm doanh thu chính khiến họ gặp khó khăn trong việc trả tiền vay trong suốt giai đoạn dịch bệnh diễn ra.

Chỉ thị của NCB yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính xây dựng chính sách và thủ tục về tái cơ cấu khoản vay trong bối cảnh dịch Covid-19 và phải được ban giám đốc của họ thông qua.

NBC cũng yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính quan tâm đến khách hàng, đặc biệt là khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, may mặc, xây dựng, vận tải và dịch vụ hậu cần vì đây là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch bệnh.

Chỉ thị của NBC đề nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính cần xác minh những khách hàng vay đang gặp phải khó khăn về tài chính trước khi tái cơ cấu các khoản vay của họ; các khoản vay sẽ được tái cơ cấu nếu việc thanh toán lãi vay hay nợ gốc trễ không quá 90 ngày và khách hàng nhận thấy giai đoạn khó khăn về tài chính này chỉ là tạm thời.

Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)

FILI