Các ngân hàng đầu tiên hé lộ kế hoạch 2020 đều dựa trên kịch bản dịch Covid-19 tích cực

Các ngân hàng đầu tiên hé lộ kế hoạch 2020 đều dựa trên kịch bản dịch Covid-19 tích cực

Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành nghiêm trọng, tác động nặng nề đến nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, cho nên một số ngân hàng cũng thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2020.

Kế hoạch lợi nhuận dựa trên kịch bản tích cực

BIDV (BID) và Kienlongbank (KLB) là 2 nhà băng đầu tiên đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

ĐHĐCĐ BIDV được tổ chức vào ngày 07/03/2020, đã thông qua kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 16% so với kết quả 2019, tương ứng dự kiến là 12,500 tỷ đồng, trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát.

Một điểm đáng chú ý là cổ đông BIDV đã ủy quyền cho HĐQT quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là diễn biến dịch Covid-19.

Còn tại ĐHĐCĐ Kienlongbank vào ngày 28/03/2020, cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với thực hiện năm 2019, vẫn trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Còn trong trường hợp dịch vẫn kéo dài, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, thì HĐQT sẽ có báo cáo đến ĐHĐCĐ để lên phương án điều chỉnh phù hợp.

Theo thông tin từ Kienlongbank, cơ sở để đặt kế hoạch như vậy xuất phát từ việc hiện tại Ngân hàng đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho Kienlongbank thực hiện chào bán tài sản, bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank (STB) để thu hồi nợ, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm để thu hồi nợ sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020.

Trong báo cáo thường niên năm 2019, MSB, SeABank và Eximbank là 3 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với kết quả năm 2019, trong khi Nam A Bank đặt kế hoạch lãi trước thuế đi lùi.

Cụ thể, MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 1,439 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2019. SeaABank cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 1,506 tỷ đồng, nhích nhẹ 5% so với kết quả của năm 2019.

Sau Kienlongbank, Eximbank là ngân hàng thứ 2 đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tính bằng lần, dự kiến đạt 2,214 tỷ đồng, gấp 2 lần kết quả đạt được của năm 2019. Song, Ngân hàng cũng lưu ý kế hoạch có thể được điều chỉnh tùy theo  ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Ngược lại, Nam A Bank đã đề ra kế hoạch 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 14% so với kết quả năm 2019.

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ở hầu hết các ngân hàng

Ngoài kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, BIDV cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh chính năm 2020 với tổng tài sản tăng từ 1.5 triệu tỷ đồng lên 1.6 triệu tỷ đồng, huy động vốn dự kiến tăng trưởng 9% và tăng trưởng tín dụng ở mức 9% theo giới hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Năm 2020, Kienlongbank cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng  với tổng tài sản dự kiến đạt 57,600 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Mục tiêu dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt 38,800 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, kế hoạch này sẽ thực hiện sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận. Đồng thời, Kienlongbank cũng hướng đến tổng nguồn vốn huy động đạt 52,500 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%.

Đi cùng với mục tiêu tăng trưởng cao về lợi nhuận trước thuế, Eximbank kỳ vọng dư nợ cấp tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 9% so với năm 2019 theo hạn mức tăng trưởng do NHNN thông báo, dự kiến tăng lên mức 123,775 tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư được Ngân hàng dự  kiến ở mức 161,000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Eximbank cho biết  thêm sẽ xin phép NHNN xem xét điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng nếu điều kiện kinh doanh thuận lợi

MSB dự kiến tổng tài sản năm 2020 đạt 170,000 tỷ đồng, tăng 8%. Mục tiêu tổng dư nợ tín dụng đạt 81,500 tỷ đồng, tăng 20% và huy động đạt 99,000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2019.

Dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) được SeABank dự kiến lần lượt tăng trưởng ròng 13,990 tỷ đồng và 15,300 tỷ đồng, cùng tăng 14% so với kết quả đạt được năm 2019. Ngoài ra, SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản dự kiến ở mức 12%, đạt 175.6 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát về dưới 3%.

Mặc dù đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi lùi, song, Nam A Bank vẫn kỳ vọng các chỉ tiêu kinh doanh khác đều tăng trưởng so với năm 2019. Cụ thể, tổng tài sản dự kiến đạt 116,000 tỷ đồng, tăng 23%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92,000 tỷ đồng, tăng 22%. Mục tiêu dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 82,000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN.

Ngoài ra, tuy đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với mục tiêu tín dụng dự kiến tăng 4-8.5% và nguồn huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư tăng 5-10% so với thực hiện năm 2019, nhưng VietinBank (HOSE: CTG) lại bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho năm 2020.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã  thông báo hoãn Đại hội đến tháng 6.

Hiện tại, chỉ số ít ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên kịch bản tích cực theo chiều hướng là dịch Covid-19 sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, hầu hết các nhà băng này đều đi kèm với thông báo có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh tùy vào diễn biến thực tế của đại dịch, cho nên, con số kế hoạch đưa ra tại thời điểm hiện tại có thể chưa phải là con số cuối cùng.

Ái Minh

FILI