Vọt hơn 1,300 điểm, Dow Jones ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 3 phiên kể từ năm 1931

Vọt hơn 1,300 điểm, Dow Jones ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 3 phiên kể từ năm 1931

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Năm (26/03), khi nhà đầu tư rũ bỏ qua báo cáo về số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp phá kỷ lục giữa lúc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế khổng lồ trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones vọt 1,351.62 điểm (tương đương 6.4%) lên 22,552.17 điểm. Dow Jones đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 3 phiên kể từ năm 1931. Trong 3 phiên vừa qua, Dow Jones đã bứt phá hơn 20%.

Chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận 3 phiên tăng liên tiếp, cộng 6.2% lên 2,630.07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 5.6% lên 7,797.54 điểm khi các cổ phiếu Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet đều tăng hơn 4%.

Cổ phiếu Boeing, Chevron và Walgreens đã thúc đẩy đà tăng của Dow Jones, với mỗi cổ phiếu đều vọt hơn 10%. Tiện ích và bất động sản là những lĩnh vực có thành quả tốt nhất thuộc S&P 500, đều tăng hơn 7%.

Bộ Lao động Mỹ báo cáo rằng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã vọt lên 3.28 triệu người vào tuần trước, cao kỷ lục từ trước đến nay. Con số này đã vượt qua mức đỉnh 665,000 người thất nghiệp thời Đại Suy thoái và mốc cao mọi thời đại 695,000 người hồi tháng 10/1982. Tuy nhiên, con số này vẫn tốt hơn so với dự báo khủng khiếp trên Phố Wall. Ví dụ, Citi dự kiến số người thất nghiệp tăng 4 triệu người.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Năm, một ngày sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2 ngàn tỷ USD trong nỗ lực ngăn chặn thiệt hại từ sự bùng phát dịch COVID-19. Dự luật kích thích hiện hướng tới Hạ viện Mỹ, nơi sẽ thúc đẩy thông qua bằng cách biểu quyết bằng phát biểu vào sáng ngày thứ Sáu (27/03) khi hầu hết các đại biểu đều rời khỏi Washington. Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, cho biết dự luật sẽ được thông qua “với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ 2 Đảng”.

Dự luật bao gồm chi phiếu kích thích sẽ được gửi đến người dân trong 3 tuần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với CNBC vào ngày thứ Năm. “Chúng tôi xác định phải đưa tiền vào túi người dân ngay lập tức”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tham gia để củng cố nền kinh tế. Fed đã hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và công bố một chương trình nới lỏng định lượng chưa từng có.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm thứ Năm rằng sẽ không “có hạn định cho sự hỗ trợ” để giúp nền kinh tế ổn định.

An Trần

FILI