Hồi ức của thập niên 1970

Hồi ức của thập niên 1970

Bài viết thể hiện quan điểm của Kenneth Rogoff 

Các nhà hoạch định chính sách và rất nhiều chuyên gia kinh tế đã không nhận thức được sự khác biệt giữa đợt suy thoái lần này với những gì đã xảy ra vào năm 2001 và 2008. Ngược lại với suy thoái do thiếu hụt nhu cầu, thách thức hiện nay chủ yếu đến từ sự sụt giảm nguồn cung nguyên vật liệu dẫn đến sản lượng giảm mạnh, gây thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng và giá cả tăng cao.

* Thiên nga trắng của năm 2020

Năm 2020 khác hoàn toàn so với năm 2001 và 2008

Tôi cho rằng còn quá sớm để dự đoán diễn biến trong dài hạn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta có thể xác nhận rằng suy thoái kinh tế toàn cầu đang được kích hoạt. Nó có bản chất rất khác so với những gì đã xảy ra vào năm 2001 và 2008.

Cuộc suy thoái tiếp sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là một nền kinh tế có đòn bẩy tín dụng cao. Vì vậy, nó không có khả năng chịu đựng tốt giống như kinh tế Nhật Bản hồi thập niên 1980. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần nguồn tiền để trả các khoản nợ khổng lồ. Sự bất lợi của nhân khẩu học, hụt hơi trong cuộc đua công nghệ, bong bóng bất động sản và sự tập trung quyền lực quá lớn vào chính quyền trung ương đã báo trước về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Hơn thế nữa, khác với hai cuộc suy thoái toàn cầu trước đây, dịch Covid-19 gây ra một cú sốc về nguồn cung. Chúng ta có thể nghiên cứu cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong thập niên 1970 để tìm ra một ví dụ tương tự. Khi hàng chục triệu người không thể làm việc (vì bị cách ly hoặc vì sợ hãi), chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị phá vỡ, biên giới bị chặn, thương mại thế giới thu hẹp lại vì các quốc gia nghi ngờ thống kê y tế của nhau.

Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang áp dụng chính sách chi tiêu bằng nợ (deficit spending) để củng cố hệ thống y tế và thúc đẩy nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, những mối đe dọa khác như chiến tranh thương mại, khủng hoảng biến đổi khí hậu… cộng hưởng với dịch bệnh khiến cho việc vận dụng chính sách chi tiêu bằng nợ trong thời kỳ này rất nguy hiểm.

Nguồn: Lisa Benson

Chú thích: Deficit spending là chính sách chi tiêu bằng nợ của chính phủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạn chế thất nghiệp. Khi những chi tiêu của chính phủ vượt quá thu nhập sẽ gây ra thâm hụt ngân sách. Phần chi tiêu vượt trội sẽ được tài trợ bằng nợ vay. John Maynard Keynes là một trong những người ủng hộ nhiệt tình cho chính sách này với mục đích kích thích nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Tuy nhiên, tác dụng phụ của chính sách chi tiêu bằng nợ là có thể khiến cho lãi suất tăng cao.

Các nhà hoạch định chính sách và rất nhiều chuyên gia kinh tế đã không nhận thức được sự khác biệt giữa đợt suy thoái lần này với những gì đã xảy ra vào năm 2001 và 2008. Ngược lại với suy thoái do thiếu hụt nhu cầu, thách thức hiện nay chủ yếu đến từ sự sụt giảm nguồn cung nguyên vật liệu dẫn đến sản lượng giảm mạnh, gây thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng và giá cả tăng cao. Đây là vấn đề mà các quốc gia chưa từng phải đối mặt kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi thập niên 1970 đến nay.

Các điều kiện ban đầu để kiềm chế lạm phát có vẻ khá đầy đủ. Bốn thập kỷ toàn cầu hóa gần như chắc chắn là yếu tố chính giúp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến cho tình trạng ngăn cách giữa các quốc gia tăng lên. Chiến tranh thương mại cũng góp phần tạo áp lực tăng giá hàng hóa. Lạm phát gia tăng có thể thúc đẩy lãi suất đi lên và trở thành thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài chính.

Một điều đáng chú ý là cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tấn công nền kinh tế thế giới khi mà tốc độ tăng trưởng đang chậm dần và các quốc gia hầu hết đều có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao. Tăng trưởng toàn cầu năm 2019 chỉ là 2.9%, chỉ cao hơn một chút so với mức 2.5% (đây là mức dùng để xác định nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu). Nền kinh tế của Ý hầu như không tăng trưởng trước khi virus tấn công. Nhật Bản đã rơi vào suy thoái sau khi tăng thuế tiêu dùng không đúng lúc và nước Đức đang đối diện với bối cảnh chính trị xáo trộn. Nước Mỹ đang ở trong tình trạng tốt hơn. Tuy nhiên, khả năng rơi vào suy thoái kinh tế (trước đây được dự báo khoảng 15%) trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 11/2020 bây giờ có vẻ cao hơn rất nhiều.

Một điều lạ lùng là dịch Covid-19 có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn ngay cả đối với các quốc gia có đủ tài nguyên và công nghệ để chống lại nó. Lý do chính là trước kia người dân ít có điều kiện kinh tế hơn so với ngày nay. Vì vậy, nhiều người phải chấp nhận rủi ro để đi đến công ty làm việc.

Muốn tránh suy thoái kinh tế thì phải hợp tác

Những gì đã xảy ra ở TP Vũ Hán, Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó cần được rút kinh nghiệm. Chính phủ Trung Quốc về cơ bản đã phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và đặt 58 triệu người vào thiết quân luật. Người dân không được rời khỏi nhà của họ trừ những trường hợp rất cần thiết. Đồng thời, chính phủ đã cung cấp đầy đủ thực phẩm và nước uống cho người dân Hồ Bắc trong thời gian qua. Đây là điều mà một số quốc gia nghèo không thể tưởng tượng được.

Ở những nơi khác của Trung Quốc, rất nhiều người ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh… đã ở trong nhà hầu hết thời gian để giảm tiếp xúc với bên ngoài. Chính phủ các quốc gia như Hàn Quốc và Ý có thể không thực hiện các biện pháp cực đoan như Trung Quốc đã làm nhưng nhiều người đang hạn chế ra ngoài. Điều này sẽ tác động bất lợi đáng kể đến hoạt động kinh tế.

Tôi cho rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu đã tăng lên đáng kể và cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách cần nhận ra rằng, bên cạnh việc cắt giảm lãi suất và kích thích tài khóa, cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng cần được giải quyết.

Một trong những giải pháp có thể thực hiện ngay là Mỹ cần giảm mạnh thuế quan trong chiến tranh thương mại, từ đó ổn định giá cả thị trường và kích thích người tiêu dùng Mỹ chi tiêu nhiều hơn. Việc ngăn chặn suy thoái toàn cầu cần sự hợp tác chứ không phải cô lập và phân ly kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong buổi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào đầu năm 2020. Nguồn: Reuters

Giới thiệu về tác giả Kenneth Rogoff

Kenneth Rogoff là giáo sư kinh tế học và chính sách công tại Đại học Harvard. Ông từng là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF - International Monetary Fund) từ năm 2001 đến 2003.

Ông là đồng tác giả của các cuốn sách This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly và The Curse of Cash.

Nguồn: World Economic Forum

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)

FILI