Giá dầu giảm và virus corona khiến các đơn vị thuộc PetroVietnam đứng trước nguy cơ thua lỗ

Giá dầu giảm và virus corona khiến các đơn vị thuộc PetroVietnam đứng trước nguy cơ thua lỗ

Tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngày 20/03, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chia sẻ rằng, dưới tác động kép dịch Covid-19 lan rộng và giá dầu xuống thấp, PVN đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.

Bị tác động bởi hai gọng kìm virus SARS-CoV-2 và giá dầu suy giảm, nhiều đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện.

Chuỗi giá trị của PVN đang bị ảnh hưởng rất mạnh. Những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm…

Khi mà sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường thì thỏa thuận cắt giảm sản xuất OPEC và Nga không đạt được kết quả (các bên đều công bố sẽ gia tăng sản lượng sản xuất) đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí. Theo thông tin từ PVN, giá dầu Brent giảm “sốc” về quanh mốc 24-25 USD/thùng trong ngày 18/03/2020. Thậm chí, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng trong những ngày tới.

Lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí có thể giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác. PVN cho biết, doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô sẽ giảm mạnh khi giá kế hoạch lên đến 60 USD/thùng.

Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là gần 4.7 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn gần 2.4 tỷ USD. Theo đó, phần nộp ngân sách Nhà nước tương ứng sẽ giảm từ xấp xỉ 1.6 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (đồng nghĩa việc PVN mất 2.3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước). Sự suy giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ với PVN mà với cả các địa phương liên quan. Đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số thu ngân sách 2 tháng đầu 2020 của Tỉnh đạt gần 15,200 tỷ đồng thì trong đó có 46% từ dầu thô (xấp xỉ 7,000 tỷ đồng).

Theo phía PVN, những lợi điểm từ việc nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế do giá dầu sụt giảm. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng. Các đơn vị của PVN cũng xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại.

Trước mắt, hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu chịu tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh và giá dầu xuống thấp. Nhu cầu vận tải và lưu thông sụt giảm. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu cũng hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 01/2020. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và NMLD Nghi Sơn.

PVN cho biết, tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn hiện ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 03/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn.

Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế giảm mạnh trong tháng 02/2020.

Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng khi bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá. Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh virus Covid-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai hợp đồng cung cấp dịch vụ và cả giá cho thuê giàn.

Với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc điều chuyển lao động đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều đang hạn chế xuất nhập cảnh.

Thừa Vân

FILI