Đà tăng mạnh của cổ phiếu công nghệ và năng lượng kích Dow Jones cộng hơn 100 điểm

Đà tăng mạnh của cổ phiếu công nghệ và năng lượng kích Dow Jones cộng hơn 100 điểm

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Năm (19/03), xóa bớt đà giảm sâu từ phiên trước đó khi đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã dẫn đến sự đảo chiều mạnh mẽ, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tiến 188.27 điểm (tương đương gần 1%) lên 20,087.19 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0.5% lên 2,409.39 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 2.3% lên 7,150.58 điểm. Các cổ phiếu Netflix và Facebook lần lượt tăng 5.3% và 4.2%. Cổ phiếu Amazon tiến 2.8%.

Hồi đầu phiên, Dow Jones đã rớt 721 điểm (tương đương hơn 3%). S&P 500 tích tắc cũng giảm hơn 3%.

Một trong số các ngành công nghiệp khởi sắc trong ngày thứ Năm là năng lượng, với lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 vọt hơn 6%. Cổ phiếu các nhà sản xuất dầu lớn như Diamondback Energy và Apache đều leo dốc hơn 11% khi các hợp đồng dầu WTI tương lai bứt phá hơn 23%, đánh dấu phiên tăng mạnh kỷ lục.

Các động thái trên diễn ra sau một ngày đầy biến động khác trên Phố Wall. Dow Jones đã “bốc hơi” 1,338.46 điểm (tương đương 6.3%) vào ngày thứ Tư (18/03) và lần đầu tiên đóng cửa dưới mốc 20,000 điểm kể từ tháng 02/2017.

Phố Wall đã trồi sụt chưa từng thấy trong bối cảnh hỗn loạn vì dịch COVID-19, với S&P 500 dao động 4% trở lên theo 2 chiều trong 8 phiên liên tiếp trước ngày thứ Năm.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2017 trong ngày thứ Năm. Chỉ số này đã tăng 1.5% lên 102.67.

“Bất kể là châu Á, Brazil, các thị trường mới nổi, châu Âu hay ngay tại đây ở Mỹ, đồng USD hiện đang là nhu cầu”, Gregory Faranello, Giám đốc giao dịch tỷ giá Mỹ tại AmeriVet Securities, nhận định.

Vào tối ngày thứ Tư (18/03), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố Chương trình mua vào khẩn cấp lúc đại dịch mới trị giá tới 750 tỷ Euro (tương đương 819 tỷ USD) để mua chứng khoán nhằm giúp hỗ trợ nền kinh tế châu Âu. Ngân hàng Trung ương cho biết việc thu mua sẽ được tiến hành cho đến cuối năm 2020 và bao gồm nhiều loại tại sản kể cả trái phiếu.

Động thái của ECB được đưa ra sau các sáng kiến tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed đã thông báo hồi đầu tháng này kế hoạch bơm thêm 1 ngàn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ thông qua việc mua tài sản và hạ lãi suất xuống gần bằng 0. Fed cũng cho biết vào tối ngày thứ Tư (18/03) sẽ tạo ra một điểm dừng cho các quỹ thị trường tiền tệ chính.

Về mặt tài khóa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật trong ngày thứ Tư (18/03) mở rộng việc nghỉ phép có lương cho người lao động trong suốt cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

Vào ngày thứ Năm, ông Trump cho biết sẽ không phản đối việc cấm các công ty tiến hành mua lại nếu nhận được hỗ trợ của liên bang trong mùa dịch COVID-19.

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vượt 236,000 người, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy. Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 9,700 ca nhiễm bệnh cùng với hơn 150 trường hợp tử vong.

An Trần

FILI