Bứt phá gần 24%, dầu WTI chứng kiến phiên tăng mạnh kỷ lục

Bứt phá gần 24%, dầu WTI chứng kiến phiên tăng mạnh kỷ lục

Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc vào ngày thứ Năm (19/03), bật lên từ mức thấp nhất trong 20 năm, với giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 23.8% trong một ngày lớn nhất trong lịch sử, MarketWatch đưa tin.

Nhà đầu tư tiếp thu thông tin về rất nhiều các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ nhằm đối phó với sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nga bày tỏ họ muốn thấy giá dầu cao hơn, và Chính quyền ông Trump tuyên bố có thể can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út.

“Đà leo dốc trong ngày thứ Năm của giá dầu là biểu tượng cho sự biến động sẽ tiếp tục làm chao đảo các thị trường toàn cầu, hơn là một dấu hiệu rõ ràng rằng giá dầu đã sẵn sàng để phục hồi bền vững từ các mức đáy gần đây”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex bứt phá 4.85 USD (tương đương 23.8%) lên 25.22 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng mạnh kỷ lục dựa trên dữ liệu được cập nhật từ tháng 3/1983, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn leo dốc 3.59 USD (tương đương 14.4%) lên 28.47 USD/thùng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối ngày thứ Tư (18/03) đã công bố nhiều động thái nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ, vốn đang bị rung chuyển bởi sự gián đoạn đột ngột các hoạt động kinh tế do sự bùng phát COVID-19. Fed mở rộng hỗ trợ bao gồm các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ.

Và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra một kế hoạch mở rộng mới trị giá lên tới 750 tỷ Euro (tương đương 820 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ và khu vực tư nhân cũng như thương phiếu đến cuối năm. Đó là ngày sau những nỗ lực kích thích hồi tuần trước của các Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương Australia đã hạ lãi suất lần thứ 2 trong tháng 3/2020.

“Dĩ nhiên đó là mức giá dầu rất thấp, chúng tôi muốn thấy nó cao hơn”, người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết trong một cuộc hội nghị hôm thứ Tư (18/03), mặc dù ông này không đề xuất một thỏa thuận với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu bởi Nga. Các quốc gia sản xuất dầu đã không đạt được thỏa thuận hồi đầu tháng 03/2020 để cắt giảm thêm sản lượng, Nga và Ả-rập Xê-út sau đó đã bước vào một cuộc chiến giá dầu làm chao đảo các thị trường tài chính và năng lượng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét can thiệp vào cuộc chiến giá dầu Nga – Ả-rập Xê-út bằng cách thúc đẩy Ả-rập Xê-út cắt giảm sản lượng dầu và đe dọa Nga với các biện pháp trừng phạt, Wall Street Journal đưa tin. Cuối tuần trước, ông Trump cho biết Mỹ sẽ mua số lượng lớn dầu để lấp đầy kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). SPR giữ 635 triệu thùng dầu tới ngày 13/03/2020, với khả năng dự trữ hiện tại là 713.5 triệu thùng.

Khi giá dầu khởi sắc, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã phục hồi phần nào vào ngày thứ Năm. Dow Jones đã khép phiên rớt mốc 20,000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2017 vào ngày thứ Tư (18/03), nhưng đã rút khỏi mức đáy trong phiên sau khi Quốc hội Mỹ thông qua 2 biện pháp đầu tiên nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 đang gây ra cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 4 tiến 7.4% lên 68.50 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 vọt 9.2% lên 1.0417 USD/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên cũng khởi sắc trong ngày thứ Năm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên giảm 9 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 13/03/2020, cao hơn một chút so với dự báo mất 8 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 cộng 3.1% lên 1.654 USD/MMBtu.

An Trần

FILI