Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng làm việc tại BSR

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng làm việc tại BSR

Ngày 05/02 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – ông Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc tại CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR).

Cùng tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên, Nguyễn Văn Mậu, cùng Trưởng/Phó các ban chuyên môn PVN.

Về phía BSR có ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT; ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc; các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc/Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án (QLDA) Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, Trưởng các ban chức năng BSR.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 1 và kế hoạch, nhiệm vụ quý 1/2020. Công tác xuất bán sản phẩm cho khách hàng đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Tháng 1 vừa qua, BSR đã nhập 2 chuyến dầu thô từ nước ngoài (1 chuyến dầu WTI từ Mỹ và 1 chuyến dầu Champion từ Brunei). Đầu tháng 2, BSR tiếp tục nhập một chuyến dầu Azeri từ Azerbaijan.

Công tác an ninh, an toàn NMLD Dung Quất được kiểm soát chặt chẽ. BSR đã đạt hơn 23 triệu giờ công an toàn và phấn đấu cả năm 2020 sẽ đạt cột mốc mới là 25 triệu giờ công an toàn.

Về dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, hiện tại các nhiệm vụ như gói thầu EPC, công tác giải phóng mặt bằng, hạng mục san lấp chuẩn bị mặt bằng, công tác thu xếp vốn, các gói thầu cung cấp bản quyền công nghệ, tư vấn quản lý dự án (PMC) đã và đang theo đúng kế hoạch đề ra.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng và lãnh đạo PVN, BSR thăm phòng Điều khiển Trung tâm NMLD Dung Quất. Nguồn: BSR

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc BSR – ông Nguyễn Duyên Cường nhận định: Năm 2003, khi dịch SARS xảy ra, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu. Năm 2019, GDP Trung Quốc khoảng 17% toàn cầu. Diễn biến phức tạp từ dịch Corona ở Trung Quốc dự báo rằng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh và tác động đến ngành sản xuất xăng dầu toàn thế giới. Theo dự báo nhu cầu xăng dầu sẽ giảm, các nhà máy lọc dầu cũng giảm từ 3 – 5% công suất, dẫn đến hiệu quả ngành công nghiệp lọc hóa dầu bị ảnh hưởng.

Trước bối cảnh đó, BSR đã và đang tích cực triển khai đồng loạt các kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, tổ chức tốt giao nhận dầu thô 6 tháng đầu năm 2020 nhằm đối phó với bối cảnh thị trường này.

Về giải pháp dài hạn, BSR tiếp tục đẩy mạnh nhận định, dự báo thị trường; đàm phán trực tiếp với các chủ mỏ và lấy giá sản phẩm làm tham chiếu; tối ưu việc mua dầu trong nước nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận.

Phó Tổng giám đốc PVN Lê Xuân Huyên cho rằng BSR phải giải quyết 2 vấn đề lớn. Đó là chiến lược dầu thô và tối ưu sản xuất nhằm thích nghi với bối cảnh sau năm 2022, thời điểm thuế nhập khẩu xăng từ một số thị trường sẽ về 0%.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng kết luận tại buổi làm việc. Nguồn: BSR

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của PVN rất khả quan trong tháng 1/2020. Cụ thể, PVN đã khai thác hơn 1.83 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó có hơn 1.09 triệu tấn dầu thô trong tháng vừa qua. Cùng với đó, lượng xăng dầu sản xuất đạt 1.2 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 66,300 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 8,300 tỷ đồng. BSR là doanh nghiệp đóng góp lớn vào doanh thu và phần nộp ngân sách của toàn Tập đoàn.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng mong muốn BSR đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển để lấy làm bàn đạp tiến ra thế giới. Bên cạnh đó, BSR cũng cần đẩy nhanh tiến độ dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất.

“Lãnh đạo PVN sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để BSR nói riêng và các đơn vị trong Tập đoàn nói chung phát triển hài hòa, bền vững.” – Ông Hùng kết luận.

FILI