STK - Relative Strength cho tín hiệu tốt

STK - Relative Strength cho tín hiệu tốt

CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) là công ty sản xuất sợi hàng đầu của Việt Nam. Biến động của Relative Strength cho thấy cổ phiếu này đang mạnh hơn thị trường chung. Việc mua vào khi giá về gần vùng 15,500-17,500 được ủng hộ.

Ngành sợi gặp nhiều khó khăn

Trong năm 2019, tình hình xuất khẩu sợi chưa có nhiều khởi sắc. Các đơn hàng xuất khẩu sợi liên tục giảm, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Việt Nam hiện là một trong những nhà xuất khẩu sợi hàng đầu vào quốc gia này. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến doanh số xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc vào Mỹ giảm đáng kể dẫn đến nhu cầu mua sợi của Trung Quốc cũng giảm theo. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ mất giá ảnh hưởng rất nhiều đến giá bán sợi của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đầu năm 2020, dịch virus corona tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn với ngành sợi Việt Nam nói chung và STK nói riêng.

Dự báo tăng trưởng năm 2020

Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của STK đạt 2,229 tỷ đồng giảm 7.43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ở mức 215 tỷ đồng, tăng 20.79% so với năm 2018. Lợi nhuận có mức tăng trưởng trong khi doanh thu sụt giảm là do doanh nghiệp cơ cấu sản phẩm tốt; chuyển dịch linh hoạt trong việc sản xuất và tiêu thụ thêm sợi tái chế, các loại sợi có giá trị gia tăng cao cũng như hạn chế chi phí phát sinh giúp giảm giá vốn hàng bán.

Quy trình sản xuất sợi của STK

Nguồn: Báo cáo thường niên của STK

Năm 2020, HĐQT STK dự báo doanh thu thuần gần 2,558 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả thực hiện năm 2019. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của STK lần lượt là 264.4 tỷ đồng và 234.8 tỷ đồng, tăng 4% và 9% so với thực hiện năm 2019. Người viết cho rằng điều này có thể đạt được do STK không ảnh hưởng nhiều từ biến động của thị trường Trung Quốc.

Nguồn: VietstockFinance

Điểm sáng lớn nhất là thị trường nội địa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của STK, đạt mức 43% trong năm 2019. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chính của STK gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…

Nguồn: Bản tin Nhà đầu tư của STK

Phân kỳ dương xuất hiện

Vào tháng 07/2019, cổ phiếu STK đạt mức giá cao nhất từ khi niêm yết. Sau thời điểm đó, giống như các cổ phiếu ngành dệt may khác, STK có mức sụt giảm khá sâu. Đến cuối năm 2019, STK đã mất đi hơn 30% giá trị thị trường. Sau khi chạm hỗ trợ 15,500-17,500, cổ phiếu đã phục hồi và xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực.

Trong giai đoạn cuối di chuyển trong kênh giảm, cổ phiếu tạo các đáy thấp hơn liên tiếp nhau nhưng chỉ báo MACD thì biến động ngược lại và tạo thành tín hiệu phân kì dương (bullish divergence).

Chỉ báo Relative Strength cắt lên trên đường SMA 20 ngày và đang hướng lên. Điều này cho thấy cổ phiếu hiện tại đang mạnh hơn thị trường chung (outperform).

Nguồn: VietstockUpdater

Tạo đáy thành công

Vùng 15,500-17,500 được giới phân tích kỹ thuật đánh giá là hỗ trợ rất đáng tin cậy cho cổ phiếu. Vì vùng giá này trùng với đường trendline dài hạn (bắt đầu từ tháng 09/2018) và đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 10/2018.

Trong quá khứ, mỗi lần cổ phiếu test trendline này thì sẽ có một đợt phục hồi mạnh mẽ diễn ra sau đó. Nói tóm lại, việc mua vào khi giá về gần vùng 15,500-17,500 được ủng hộ mạnh mẽ.

Nguồn: VietstockUpdater

Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI