NCB: Trước thềm tăng vốn, con trai Chủ tịch đăng ký mua 8.2 triệu cp

NCB: Trước thềm tăng vốn, con trai Chủ tịch đăng ký mua 8.2 triệu cp

Ngay sau khi ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ năm 2020, con trai Chủ tịch HĐQT NCB đã đăng ký mua 8.2 triệu cp.

Tại ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 17/01/2020, NCB cho biết việc tăng vốn điều lệ năm 2020 nhằm đảm bảo việc tuân thủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động; mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số khách hàng doanh nghiệp chiến lược; đầu tư thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu, phát triển các dự án digital banking và các dự án công nghệ thông tin; bổ sung vốn cho Công ty TNHH Khai thác và quản lý tài sản (AMC); tăng hạn mức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và tạo tiền đề cho việc mời chào các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng trở thành cổ đông chiến lược.

Theo đó, NCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3,000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 10 triệu cp cho cán bộ, nhân viên và 290 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10,000 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện vào quý 1/2020.

Đối với việc phát hành 10 triệu cp cho cán bộ, nhân viên, tỷ lệ cổ phần chào bán trên số cổ phần đang lưu hành là 2.46% (số cổ phiếu đang lưu hành, không tính cổ phiếu quỹ).

Đối với việc phát hành 290 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ cổ phần chào bán trên số cổ phần đang lưu hành là 1:0.713. Theo đó, mỗi quyền mua sẽ được mua 0.713 cổ phần tăng vốn mới. Tổng số cổ phần cổ đông được mua sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị.

Nếu chào bán thành công, NCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 4,102 tỷ đồng (bao gồm 4,072 tỷ đồng vốn thực góp của ngân hàng và gần 30 tỷ đồng cổ phiếu quỹ) lên mức 7,102 tỷ đồng.

NCB dự kiến sẽ sử dụng 200 tỷ đồng (chiếm 6.67% trong cơ cấu vốn tăng thêm) để tăng vốn AMC nhằm có đủ mức vốn để thực hiện đầy đủ các chức năng liên quan hoạt động quản lý tài sản, bao gồm cả hoạt động tổ chức mua bán nợ.

Ngân hàng cũng dự chi 50 tỷ đồng (chiếm 1.67% trong cơ cấu vốn tăng thêm) để thay đổi và xây dựng hình ảnh thương hiệu và chi 100 tỷ đồng (chiếm 3.33% trong cơ cấu vốn tăng thêm) để đầu tư phát triển dự án Digital Banking, 50 tỷ đồng (chiếm 1.67% cơ cấu vốn tăng thêm) cho đầu tư phát triển các dự án công nghệ, 100 tỷ đồng (3.33% cơ cấu vốn tăng thêm) đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới hoạt động và 2,500 tỷ đồng (chiếm 83.33% cơ cấu vốn tăng thêm) nhằm bổ sung nguồn vốn tự có để cho vay trung và dài hạn.

NCB nói thêm, hiện tại có nhiều dự án trung và dài hạn thuộc các đối tượng là các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, các khách hàng truyền thống đang cần vốn đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất công nông nghiệp, công nghệ cao, mở rộng sản xuất xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn Hải Dương, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu và các địa bàn hoạt động khác mà hiện tại nguồn vốn huy động trung và dài hạn của Ngân hàng chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn nên NCB sẽ dành ra hơn 83% vốn tự có tăng thêm để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn.

Tại Đại hội, NCB còn cho biết, đợt phát hành cổ phiếu này sẽ có sự tham gia của các cổ đông mới nhưng không nói rõ cổ đông mới là ai.

Đáng chú ý, ngay sau khi phương án này được thông qua thì ông Nguyễn Trần Trung Sơn - con trai Chủ tịch HĐQT NCB đã đăng ký mua 8.2 triệu cp NCB thông qua phương thức thỏa thuận từ ngày 20/02-18/03/2020. Hiện vị này đang nắm giữ 1.15 triệu cp NCB với tỷ lệ sở hữu 0.28% vốn ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT NCB ông Nguyễn Tiến Dũng và vợ là bà Trần Hải Anh - Ủy viên HĐQT cũng đang lần lượt nắm giữ 6.5 triệu cp (tỷ lệ 1.6%) và 20.2 triệu cp (tỷ lệ 4.96%).

Thị trường chứng khoán ghi nhận giá cổ phiếu NCB ở mức 8,900 đồng/cp (18/02), giảm nhẹ 6.32% so với đầu năm 2019.

Khang Di

FILI