Mối tình 20 năm

Mối tình 20 năm

20 năm là thời gian quá dài trong cuộc đời của một người và tôi có được mối tình sâu đậm đến vậy mà vẫn duy trì đến ngày hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc nhưng không phải với con người mà với… thị trường chứng khoán (TTCK). Năm nay 2020 cũng là năm kỷ niệm TTCK giao dịch tròn 20 năm và cũng là 20 năm đầu tư chứng khoán (CK) của tôi từ phiên đầu tiên ngày 28/7/2000.

20 năm rồi còn gì và được gì

Còn nhớ rõ ngày đầu tiên tôi lên sàn ở phố Wall Việt Nam là đường Nguyễn Công Trứ với tâm trạng háo hức bao trùm vì mong chờ bao ngày cuối cùng rồi Việt Nam đã có TTCK, đã hội nhập với thế giới và những thứ trước giờ chỉ thấy trong phim Mỹ, phim Hồng Kông giờ đã thành hiện thực. Ban đầu cũng có chút thất vọng vì số lượng chỉ 2 mã cổ phiếu là REESAM nhưng niềm vui lần đầu tiên chứng kiến sàn CK thật sự chứ không phải trên phim, trong sách, thấy bảng điện tử xanh đỏ vui mắt và giao lưu với những NĐT khác cũng bỡ ngỡ còn hơn cả tôi đã lấn át tất cả.

Bạn đầu tư đầu tiên của tôi là một chị cổ đông của cả 2 công ty trên sàn khi đó. Chị rất bối rối vì không hiểu trước giờ cổ đông là còn cầm cổ phiếu, cầm sổ còn bây giờ chẳng có cầm được gì trong tay nên “chị sợ quá phải lên sàn ngồi canh như canh con gái chị buổi đầu đi hẹn hò bạn trai vậy”. Tôi phải giải thích khá lâu để chị yên tâm là cổ phiếu chị vẫn ở đó chứ không mất đi đâu mà sợ. Đây cũng là tình hình chung của nhiều NĐT lúc bấy giờ bởi “bỗng chốc được phong cho chức danh NĐT” trong khi bản thân họ cũng còn chưa hiểu định nghĩa đó tròn méo ra sao?

Thế là tôi đã có người bạn CK đầu tiên của mình và do thấy mình (dù mới là sinh viên năm cuối) cũng có chút hiểu biết về tài chính nên cho ké … 100 ngàn, đủ 1 lô cổ phiếu để chung với chị cho vui. Những ngày sau đó là những ngày vui không tả xiết khi cổ phiếu ngày nào cũng lên trần, trần, trần và trần cứ nối tiếp nhau. Chị bạn tôi từ bất ngờ ban đầu trở nên… bất ngờ hơn vì đột nhiên giàu lên nhanh chóng như vậy khi trên thị trường vạn người mua mà không có lấy 1 người bán.

Cơ quan quản lý phải liên tục đưa thêm mã mới lên sàn (LAF, HAP tiếp theo); nhiều công ty đăng ký nô nức lên sàn nhưng NĐT muốn mua được cổ phiếu cũng không phải dễ. Lúc đó chỉ cần mua được cổ phiếu không cần biết mã nào, công ty gì, thậm chí khỏi cần biết chi cho mệt là mai sẽ giàu khi giá lên thẳng đứng. Ai mà ngồi đó mà phân tích với tích phân thì "chỉ tổ mất hàng", các công cụ phân tích lúc ấy còn quá xa lạ, những người đem kinh nghiệm đầu tư nước ngoài vô TTCK Việt Nam khi đó là thua, bởi đơn giản không có cổ phiếu đồng nghĩa với việc không có đồng nào.

Rồi có 1 ngày khi tôi lên sàn thấy chị bạn mình khóc thảm thiết, giật mình hỏi thử và cũng ngạc nhiên vì chị là NĐT đầu tiên có cổ phiếu, mà giá thì lên quá chừng. Chị nấc thành tiếng: “Chị bán mất rồi em à, thấy giàu nhanh quá nghe mấy lời khuyên là bán đi. Và giờ thì nó chạy còn nhanh hơn lúc chị bán nữa”. Sau đó chị ấy mua lại nhưng cũng không thể được vì giá cứ lên suốt vậy cả năm trời không hề giảm.

Tuy vậy bữa tiệc nào rồi cũng tới lúc tàn khi cơ quan quản lý bắt đầu siết chặt hơn khi đưa ra nhiều quy định giới hạn việc mua bán cổ phiếu như giới hạn số lượng, biên độ cũng siết chặt lại cộng với việc những NĐT trước đó đã lời quá nhiều họ bán ra như làn sóng cuốn trôi mọi thứ và đẩy tất cả về lại điểm bắt đầu đầu.

Thị trường trầm lắng suốt 4 năm sau đó đến tận năm 2006 khi kinh tế trong nước và quốc tế tăng trưởng mạnh, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam dồn dập, các doanh nghiệp tăng tốc cổ phần hóa (CPH), lên sàn với nhiều hàng hóa chất lượng hơn, chính sách đổi mới thu hút dòng vốn mạnh mẽ đã giúp TTCK khởi sắc. Mức độ tăng điểm còn dữ dội hơn khi Tổng thống Mỹ thăm sàn giao dịch chứng khoán và đánh cồng. Chỉ số chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên vượt 1,000 điểm vào năm 2007.

Người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán khi đó. Một bà chủ quán bánh canh vừa bán vừa đặt cái laptop cạnh nồi nước lèo và cả 2 tay thoăn thoắt vừa nấu cho khách vừa nói với tôi: “Chị đã chuẩn bị chuyển thành NĐT rồi em”, một từ ngữ rất “sang chảnh” thời kỳ đó.

Phố Wall Nguyễn Công Trứ khi đó mỗi sáng không còn chỗ để xe dù bị chặt chém mạnh tay, tờ bản tin thị trường của Sở Giao dịch phát ra dù miễn phí bị người ta lấy đó kinh doanh nhưng cũng không đủ. Ít có báo chí chuyên về chứng khoán khi đó và cũng không nhiều phân tích thị trường nên NĐT lúc nào cũng thiếu thông tin.

Sáng kiếm tiền trên sàn, chiều vẫn ở sàn nhưng giao dịch OTC những cổ phiếu chưa lên sàn. Ngồi chưa nóng chỗ với cổ phiếu vừa mua xong đã có người khác hỏi mua lại ngay, thời đó mua chứng khoán mà trả giá thì khỏi mua vì người ta hốt ngay lập tức. NĐT thì tấp nập đến CTCK mở tài khoản (TK) đến mức có Công ty ra quyết định “mỗi NĐT có từ 100 triệu trở lên mới được mở TK”. Dù điều này được xem là chảnh thời điểm bây giờ nhưng lúc đó thì lại quá bình thường khi mà NĐT phải nịnh môi giới CK, đi ăn nhậu để các môi giới nhập lệnh cho mình trước thì mới mong mua được cổ phiếu, vì cứ có hàng là hôm sau có tiền.

Nghề môi giới lúc đó rất “HOT”, ai có người yêu là môi giới CK đều rất tự hào, thậm chí còn là tiêu chuẩn lựa chọn bạn trai, bạn gái. Thậm chí sinh viên đi thực tập cũng rất “hot” chứ chưa nói môi giới chuyên nghiệp, sinh viên còn được trả lương.

Nhưng rồi khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới xảy ra năm 2008, thị trường toàn cầu đi xuống khiến TTCK Việt Nam cũng không có ngoại lệ. Giá trị đổ đèo không phanh dù các cơ quan quản lý nỗ lực như giảm biên độ về 1%, các biện pháp kích thích khác nhưng rồi cũng chỉ làm chậm đi một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Vài năm nay thị trường mới ổn định lại nhưng số lượng NĐT cũ ra đi hầu hết nên điều tôi cảm nhận rõ nhất trên thị trường sau nhiều năm là…sự cô độc, vì hầu như bạn không gặp lại người quen. Số liệu do các cơ quan chức năng công bố cũng cho thấy số lượng giao dịch thật sự hiện nay cũng chưa tới 10% số TK được mở cũng minh chứng cho các giai đoạn của thị trường và tỷ lệ này cũng không khác nhiều với thế giới.

Chị bán bánh canh vẫn tiếp tục bán bánh canh đến ngày hôm nay, CTCK 100 triệu cũng dẹp bỏ quy định đó, khi mà giờ đây ai cũng cần khách hàng. Và những câu chuyện x5, x10 TK có thể tạo ra nhiều hứng khởi, nhưng câu chuyện thật hơn và ít được kể hơn trong nhiều năm là câu chuyện: "Tôi đã biến 10 tỷ thành 10 triệu như thế nào?". Thời điểm đó chứng kiến nhiều chiến binh ngã ngựa nhất. Nhiều tên tuổi lẫy lừng ra đi, NĐT kỳ cựu đã rời bỏ sàn theo nhiều cách, người bán tài sản trả nợ, người bỏ việc nằm sàn giờ lại đôn đáo đi kiếm việc… để trả nợ, người bán phở tiếp tục bán phở... để trả nợ… Tóm lại làm mọi thứ để trả nợ.

Trên thị trường còn “lưu truyền” câu chuyện 1 NĐT kỳ cựu tên Long nghỉ khỏi CK chuyển sang bán bánh canh ghẹ và rất thành công. Hiện anh sở hữu có mấy cửa hàng rất đông khách và nhiều NĐT CK vẫn hay tìm đến ăn để trao đổi những gì đã qua. Tuy nhiên thành công như anh Long khi rời bỏ CK là rất ít, còn bán nhà, bán xe, gia đình ly tán làm ăn vất vưởng qua ngày thì đầy rẫy. Bản thân người viết bài này cũng đã từng từ 2 bàn tay trắng làm nên…một đống nợ mà phải mất nhiều năm mới trả hết. Người viết cũng đã từng chứng kiến có NĐT rất giàu có nhưng đầu tư thất bại bị ngân hàng siết nợ, vợ ly dị phải ôm con gái nhỏ ngủ dưới mái hiên nhà hàng xóm ngay đúng ngày 30 Tết rất đau xót.

Mặc dù vậy vẫn có nhiều NĐT vẫn luôn có niềm đam mê với chứng khoán và vẫn mong một ngày hoàng kim quay lại phục thù. Như anh Hải, anh Toàn, chị Bích hùn ít tiền còn lại chung với nhau mở quán nhậu hay anh Thành mở quán sinh tố, tàu hủ để kinh doanh trong lúc thị trường khó khăn chờ ngày quay lại. Cũng có NĐT vẫn còn hậm hực với thị trường như anh Hiếu mở quán ốc và có rủ người viết góp vốn chung đồng thời lập một kế hoạch đầu tư để “mơ đến một ngày nào đó sẽ niêm yết quán ốc lên TTCK, trở thành quán ốc đầu tiên được niêm yết sẽ nổi tiếng toàn quốc”.

Ranh giới giữa mất tiền và kiếm được tiền đôi khi cũng rất mong manh

20 năm qua TTCK tăng được khoảng 10 lần (VN-Index từ 100 điểm lên 1,000 điểm) không quá tệ nhưng cũng không quá xuất sắc. Tuy nhiên như HNX-Index được 15 năm nhưng chỉ mới tăng được vài điểm (từ 100 điểm năm 2005, thậm chí có một giai đoạn dài bị âm khi chỉ số này ở dưới 100 điểm) cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường không phải nơi dễ làm giàu nếu không có kiến thức, thấu hiểu thị trường và bản lĩnh đầu tư vững vàng. Bởi thế Nhà bác học vĩ đại Newton khi thua lỗ chứng khoán cũng đã phải thốt lên: “Tôi có thể tính toán được chuyển động của các vì sao, nhưng không ngờ được sự điên rồ của con người”.

Giá trị của chứng khoán, TTCK và đầu tư chứng khoán

Tuy khắc nghiệt là vậy nhưng hầu hết các tỷ phú thế giới đều có tài sản chính của mình là từ chứng khoán, các công ty khởi nghiệp hiện nay cũng phải nhờ TTCK để huy động vốn, đưa công ty đến gần với các NĐT cũng như nâng cao giá trị, gia tăng sức mạnh kinh doanh, tìm kiếm đối tác. Kiến thức về chứng khoán áp dụng trong mọi ngành nghề mà ngay cả tiền điện tử nổi tiếng hiện nay với công nghệ Blockchain và cả chứng khoán điện tử hiện diện song hành. Vì vậy một con dao để làm đau người khác hay để tự vệ hoặc dùng nó có ích như nấu ăn chẳng hạn là do sự lựa chọn cũng như kiến thức của bạn sử dụng nó.

TTCK luôn được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế do nền tảng của kinh tế vốn chính là doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì TTCK phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Xưa nay, chủ đề thất bại, mất tiền vốn luôn là chủ đề nhạy cảm, người ta luôn cố gắng tránh nói đến nó; tuy nhiên đã đến lúc các NĐT phải đối diện với nó để học cách vượt qua. Học càng nhiều về cách mất tiền và càng biết nhiều con đường dẫn đến thất bại nhiều bao nhiêu thì càng dễ dàng tránh được nó đồng thời mở ra những con đường thành công. Việc đối diện thật sự với thất bại sẽ giúp NĐT bước qua nó một cách nhẹ nhàng mà đôi khi chính họ cũng không ngờ, cũng như giúp cho các NĐT tránh được những con đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” và đặc biệt mang lại sự tự tin vững bước trên hành trình đầu tư đầy hấp dẫn và thử thách.

Tuy vậy để đầu tư CK thành công không thể chỉ ngày một ngày hai mà là con đường dài như Benjamin Braham (thầy của Warren Buffet) đã từng nói về TTCK: “Đường vào phố Wall thênh thang lắm nhưng mấy ai đi hết con đường”. Thành công trong đầu tư luôn được đánh giá ở sự ổn định và bền vững, việc kiếm được nhất thời không đảm bảo được điều này. Con đường về nhà của NĐT vốn rất dài, điều quan trọng là đi hết được con đường chứ không phải kiếm được lợi nhuận trong một vài khoảnh khắc để rồi sau đó có thể mất tất cả. Do đó Seth A. Klarman cũng có câu nói nổi tiếng “Đầu tư là việc cô độc” để nói về áp lực của mỗi NĐT và khi “bạn đúng đa số mọi người thường không đồng ý với bạn” nhưng những người thành công thì chưa bao giờ thuộc về số đông.

Đầu tư ngoài nỗi cô đơn thường trực, bị đám đông dẫn dắt mà từ chuyên môn hay gọi là “lùa gà” cũng như ganh ghét, chơi xấu nhau nên để tồn tại được như Tỷ phú Soros nói: “Đầu tiên phải sống sót đã, sau đó mới nghĩ đến chuyện kiếm tiền” và “Hãy quăng cái tôi vào địa ngục đi, kiếm tiền quan trọng hơn”.

Tóm lại đừng bao giờ coi chứng khoán là một trò đỏ đen vì chẳng ai đánh bài mà thắng hoài được, chứng khoán là một công việc đầu tư nghiêm túc và tốn nhiều chất xám. NĐT đừng quan tâm đến chuyện mình nhất thời đúng. Để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn, NĐT thông minh biết mình phải đúng một cách bền vững và đáng tin cậy.

Những kiểu mua bán chụp giật đều không có cơ hội thắng về lâu dài. Việc biến đầu tư thành cờ bạc dễ gây áp lực tâm lý lên NĐT và khi đó những kiến thức cũng như hiểu biết xuất sắc có thể tan thành mây khói vì điều này. Một vài số liệu thống kê cũng cho thấy những NĐT xuất sắc nhất thế giới thực tế có nhiều kiến thức về tâm lý học hơn là tài chính. Bản lĩnh vững vàng là một tâm lý ổn định cộng với kiến thức và sự trải nghiệm sẽ giúp NĐT gặt hái thành quả.

Học cách mất tiền, cách giữ tiền, bài học đầu tiên trong đầu tư

Sự tự tin mà một NĐT chỉ mới biết đến chiến thắng và sự tự tin của những người đã từng trải qua thất bại và hiểu được nó là rất khác biệt. Bởi vì bài học từ mất tiền luôn là bài học đắt đỏ nhất và vì thế nó cũng quý giá nhất. Nói cách khác giá trị của những bài học từ thất bại luôn nhiều hơn từ thành công. Nó giúp chúng ta mạnh mẽ vững vàng như Đá nhưng hành động uyển chuyển như Nước chứ không quá tự tin như những người kiếm được tiền quá dễ dàng. Điều này dễ ẩn chứa sự chủ quan mà mai này một khi thất bại sẽ khiến cho họ có thể bị mất mát nhiều hơn mà không có cách nào sửa chữa được. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa sự tự tin của người Biết và sự tự tin của người Hiểu! Để đi từ Biết đến Hiểu chẳng thể tránh khỏi quá trình phải chiêm nghiệm bằng chính mình qua những lần vấp ngã hoặc học được cách vấp ngã để bước qua nó.

Phan Dũng Khánh - NĐT từ năm 2000, GĐ Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng

FILI