Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp ngành thủy sản trong năm 2019

Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp ngành thủy sản trong năm 2019

Năm 2019, ngành thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng cá tra và tôm khi đứng trước những thách thức lớn như giá nguyên liệu giảm trong khi giá nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành.

 

Theo số liệu thống kê của Vietstock, tính đến 04/02/2020, có 15 doanh nghiệp thủy sản niêm yết đã tạo ra gần 34,840 tỷ đồng doanh thu và hơn 1,452 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, lần lượt giảm 14% và 54% so với năm 2018.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản năm 2019. Đvt: Tỷ đồng
(*) Các doanh nghiệp có niên độ tài chính năm 2019 bắt đầu từ 01/10/2018 đến 30/09/2019

Dẫn đầu mức giảm toàn ngành là Thủy sản Số 4 (HOSE: TS4) khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) sụt giảm gần 4 lần so với năm 2018 và doanh thu thuần (DTT) cũng sụt giảm 7 lần so với năm 2018 do giá cá tra giảm.

Đối với Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (HOSE: IDI), tuy doanh thu thuần của Công ty tăng 22% so với năm trước nhưng LNST vẫn sụt giảm 50%, xuống còn gần 325 tỷ đồng. Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) cũng ghi nhận DTT và LNST năm 2019 lần lượt giảm 16% và 37%, đạt gần 1,418 tỷ đồng và hơn 144 tỷ đồng. Theo IDI, năm 2019 là thời điểm giá cá tra trên thị trường giảm sau thời gian dài tăng liên tục, đặc biệt trong quý 4/2018, mức giá nguyên liệu giảm từ 35,000-36,000 đồng xuống còn 19,000-20,000 đồng/kg kéo theo giá xuất khẩu giảm và ảnh hưởng lên lợi nhuận của Công ty.

Đáng chú ý ông lớn Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng kinh doanh giảm tốc trong năm 2019. Doanh thu thuần và LNST của VHC đồng loạt giảm 15% và 18% so với năm 2018, xuống còn hơn 7,867 tỷ đồng và 1,180 tỷ đồng. Giá bán giảm là nguyên nhân mà VHC giải trình về kết quả kinh doanh sụt giảm.

“Vua cá tra” Hùng Vương lỗ hơn ngàn tỷ đồng

Bên cạnh những Công ty chịu cảnh sụt giảm lợi nhuận, có 3 doanh nghiệp phải báo lỗ trong năm. Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) báo lỗ hơn 256 tỷ đồng trong năm 2019, năm thứ 3 liên tiếp AGF báo lỗ. Năm 2019 khép lại cũng là dấu chấm hết của cổ phiếu AGF trên sàn HOSE khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chính thức hủy niêm yết cổ phiếu AGF vào ngày 17/02/2020 do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Năm 2019 cũng là một năm đầy khó khăn của “Vua cá tra” Hùng Vương (HOSE: HVG) khi lỗ lên đến hơn 1,123 tỷ đồng. Đáng chú ý, con số lỗ của HVG được công bố ngay sau cái “bắt tay” với Thaco. Theo đó, CTCP Sản xuất Chế biến và Phân Phối Nông nghiệp Thadi, một đơn vị thuộc Thaco (THA), sẽ đầu tư vào HVG để đổi lấy 35% cổ phần và tham gia vào quá trình quản trị, đồng thời hỗ trợ HVG trong các hoạt động tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược. Thadi cũng hỗ trợ HVG về những vấn đề khó khăn tài chính trong thời gian sắp tới.

Duy nhất 1 doanh nghiệp vượt kế hoạch năm

Trong năm 2019, vẫn còn 5 doanh nghiệp làm điểm sáng cho ngành khi báo lãi ròng tăng trưởng.

Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của BLF qua các năm. Đvt: Triệu đồng.
Nguồn: VietstockFinance

Nổi bật là Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) với LNST gấp 5 lần so với năm trước, ghi nhận gần 5 tỷ đồng nhờ gia công xuất khẩu mặt hàng khoai tây chiên đông lạnh chứ không phải từ thủy sản.

LNST của Camimex Group (HOSE: CMX)Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cũng lần lượt tăng 74% và 27% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, Nam Việt (HOSE: ANV) cũng ghi nhận LNST tăng gần 17%, đạt hơn 705 tỷ đồng và doanh thu thuần đạt hơn 4,481 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018.

Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) là doanh nghiệp duy nhất vượt mạnh cả về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra trong năm 2019.

AAM ghi nhận hơn 216 tỷ đồng doanh thu thuần và 8 tỷ đồng LNST. Mặc dù doanh thu thuần và LNST của AAM đều sụt giảm so với năm trước nhưng so với kế hoạch đề ra thì vượt 3% kế hoạch doanh thu và 28% lợi nhuận trước thuế.

Kế hoạch kinh doanh của AAM qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Giá cổ phiếu giảm

Trong năm 2019, không chỉ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản sụt giảm mà giá cổ phiếu của nhóm ngành này cũng tụt dốc khi số mã giảm gấp 3 lần mã tăng. Tuy vậy, tình hình cũng không quá bi đát. Nếu loại trừ một số mã giảm mạnh như NGC, TS4 thì các mã còn lại giảm trong vòng 30% trở lại.

Biến động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thủy sản năm 2019 (Đvt: Đồng/cp)
Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu HVG, trái ngược với kết quả kinh doanh không khả quan, giá cổ phiếu HVG lại ghi nhận tăng 76% trong năm 2019. Cổ phiếu này đặc biệt tăng mạnh trong quý cuối năm 2019, trùng thời điểm Thadi đã chi gần 478 tỷ đồng để đầu tư vào HVG.

Không may mắn như người bạn cùng ngành, không chỉ báo lỗ năm 2019, mà giá cổ phiếu của NGC còn lao dốc 55%, chỉ còn 4,400 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu HVGNGC trong năm 2019
Nguồn: VietstockFinance

Virus Corona liệu có ảnh hưởng đến nhóm ngành thủy sản trong năm 2020?

Theo Tổng cục hải sản, sản lượng thủy sản năm 2019 của Viêt Nam ước đạt 8.15 triệu tấn, tăng 4.9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản lượng khai thác đạt gần 3.8 triệu tấn (tăng 4.5%), nuôi trồng đạt 4.38 triệu tấn (tăng 5.2%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.6 tỷ USD.

Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.2 triệu tấn, tăng 0.6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1.42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850,000 tấn, tăng 3.7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6.3% so với năm 2019.

Được biết, Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và EU. Hai sản phẩm được kỳ vọng nhất của ngành thủy sản nước ta là tôm và cá tra.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang đứng trước tình trạng cấp bách khi phải đối mặt với dịch bệnh virus Corona. Dịch bệnh này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và giá xuất khẩu toàn cầu nói riêng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới năm 2019 (FAO). Theo phía CTCK Rồng Việt (VDSC), việc han chế tập trung đông người và các cơ sở sản xuất ngưng hoạt động sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Do đó, dịch Corona cũng ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

CTCK SSI thì cho rằng, trong ngắn hạn, ngành thủy sản sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch virus. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm sút do xu hướng tiêu dùng bên ngoài (out-of-home) có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ virus Corona.

Tiên Tiên

FILI