Góc nhìn Bất động sản: Trung tâm đã quá chật chội

Kỳ 2

Góc nhìn Bất động sản: Trung tâm đã quá chật chội

Quan điểm “bằng mọi giá phải ở khu trung tâm” có vẻ như đang lỗi thời. Với sự phát triển mạnh mẽ của các quận huyện vùng ven thì người mua nhà đang có những lựa chọn tối ưu hơn.

Kỳ 1: Quy hoạch quá khứ đã lỗi thời

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam

Kẹt xe - “Đặc sản” của khu trung tâm

Nhà ở khu trung tâm thì có nhiều cái sướng. Cư dân sẽ dễ dàng đến các bệnh viện lớn, các trung tâm thương mại sầm uất… Tuy nhiên, việc sinh sống ở những khu vực trung tâm có một số hạn chế nhất định như ồn ào, khói bụi và kẹt xe hầu như đều diễn ra hàng ngày ở những tuyến đường lớn vào giờ cao điểm.

Cư dân mạng từng nói vui với nhau rằng ở Sài Gòn, ra đường giờ nào cũng có thể kẹt xe. Kẹt xuyên thời gian, nắng cũng kẹt mà mưa thì lại càng kẹt. Người viết từng đi công tác Hà Nội khá nhiều lần và thấy “tệ nạn” này đang có dấu hiệu lây lan từ Nam ra Bắc.

Ô tô xếp hàng dài, trong khi người chạy xe máy phải len lỏi từng chút, di chuyển hỗn loạn. Ngày trước thì chỉ kẹt trong giờ cao điểm, nay thì bị suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Điều này sẽ làm giảm chất lượng sống của người dân. Ngồi nhâm nhi ly cà phê ngồi ngắm đường phố yên bình với lá me bay chắc chắn sẽ thú vị hơn là hàng tá các cô bác, anh chị thi nhau “phi” lên lề đường để đi cho nhanh.

Nói chung, xét dưới góc độ là cư dân thì người dân ở trung tâm Sài Gòn phải “chịu đựng” khá nhiều bất cập. Diện tích đất nhỏ hẹp nên việc kiếm chỗ đậu xe hơi cũng vô cùng khó khăn.

Kẹt xe ở khu vực Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: MuaBanNhaDat

Giá cả quá đắt đỏ

Việc sinh sống ở những khu vực trung tâm có một số hạn chế nhất định như ồn ào, khói bụi và kẹt xe hầu như đều diễn ra hàng ngày ở những tuyến đường lớn vào giờ cao điểm. Điều này sẽ không thích hợp lắm cho những người thích sự yên tĩnh.

Mặt khác, giá thuê hay mua nhà đất ngày càng đắt đỏ tại TP Hồ Chí Minh là một trong những trở ngại lớn khiến cho nhiều người (đặc biệt là người trẻ) khó tiếp cận. Thực tế cho thấy, việc tìm mua căn hộ dưới 1 tỷ đồng tại thành phố đã là câu chuyện quá khứ.

So với 5 năm trước, giá căn hộ tại TP Hồ Chí Minh hiện đã tăng hơn 50%. Cụ thể, giá bình quân căn hộ hạng B (trung cấp) thời điểm đó chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng nay con số này đã lên đến hơn 35 triệu đồng/m2. Căn hộ hạng C (bình dân) cũng tăng mạnh không kém trong khoảng thời gian này. Nếu năm 2015, giá bán căn hộ loại này chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2 thì tính đến nay, giá đã vọt lên hơn 25 triệu đồng/m2.

Trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của tại TP Hồ Chí Minh năm 2019 ước tính chỉ khoảng 6,500 USD/năm. Như vậy, nếu tính một cách đơn giản thì với một người có thu nhập từ 13-15 triệu/tháng, sau khi trừ đi khoảng 60% chi phí sinh hoạt, thì sẽ phải mất trung bình 20 năm thì mới có thể mua được một căn hộ với mức giá 1.5 tỷ đồng, trong trường hợp giá nhà không tăng.

Trung tâm không phải lúc nào cũng sang

Ngay cả khi bỏ ra số tiền không nhỏ khoảng 4-5 tỷ để mua nhà thì bạn vẫn chỉ mua được những căn nhà nhỏ ở trong những con hẻm thiếu ánh sáng ở khu trung tâm.

Điển hình là khu Mả Lạng ở Quận 1. Khu vực này được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh. Các nhánh hẻm ở khu Mả Lạng ngoằn ngoèo, chằng chịt đan vào nhau như những nhánh sông rồi cùng đổ ra đường lớn.

Dù ở ngay khu vực trung tâm nhưng người dân trong hẻm đa số làm lao động tay chân như: thợ hồ, bán vé số, bán đồ ăn thức uống, công nhân... Vì vậy, quan điểm “ở khu trung tâm là sang chảnh” không còn đúng trong trường hợp này nữa.

Khu Mả Lạng ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Thanh Niên Online

Đón đọc:

Kỳ 3 - Trung tâm đã quá chật chội (tiếp theo)

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI