Giảm phụ thuộc vào… ‘ông trời’, doanh nghiệp ngành điện chọn hướng đi mới

Giảm phụ thuộc vào… ‘ông trời’, doanh nghiệp ngành điện chọn hướng đi mới

Ngành điện Việt Nam vẫn rất tiềm năng do giá điện còn rẻ với cầu tiêu thụ gần như tuyệt đối. Nhiều năm trở lại đây, hiện tượng khí hậu cực đoan đã khiến tình hình sản xuất điện từ các hồ thủy điện gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã dần xuất hiện khi không ít doanh nghiệp đã đa dạng hóa nguồn sản xuất để tránh gặp rủi ro về thủy văn khí hậu.

Ngành điện vẫn rất tiềm năng

Theo thống kê của Global Petrol Prices (dữ liệu tháng 12/2019), Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân ở mức thấp. Giá điện của Việt Nam hiện tại là 0.08 USD/kWh và còn thấp hơn rất nhiều nếu so với giá điện bình quân của thế giới, mức 0.14 USD/kWh.

Bộ Công Thương đã thống kê giá điện 25 nước trên thế giới bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu so với các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia hay Thái Lan thì giá điện của Việt Nam cũng nằm ở mức thấp nhất trong số những quốc gia được thống kê. Vì vậy, dư địa tăng trưởng của giá điện Việt Nam vẫn còn khá lớn trong thời gian tới.

So sánh giá điện Việt Nam và các nước trên thế giới. Đvt: USD/kWh
Nguồn: Global Petrol Prices và EVN

Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở mức cao khiến hoạt động sản xuất điện hiện tại phải nỗ lực và liên tục phát triển để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất năm 2010 chỉ đạt 93.99 tỷ kWh, đến năm 2018 đạt 220.31 tỷ kWh và dự kiến năm 2019 ước đạt 242 tỷ kWh. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2010 - 2018 lên đến 11.24%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty sản xuất điện luôn được đảm bảo đầu ra gần như tuyệt đối trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Trong báo cáo phân tích xuất bản ngày 16/02/2020, CTCK VNDirect nhận định, Việt Nam tiếp tục đối mặt với vấn đề thiếu hụt điện năng trong giai đoạn 2020 - 2022. Dự báo, EVN sẽ phải tiếp tục huy động điện từ các dự án nhiệt điện than và nhiệt điện khí để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ thủy điện.

Thủy điện: Bao giờ hiện tượng El Nino mới kết thúc?

Theo thống kê của Vietstock, tổng doanh thu và lợi nhuận nhóm doanh nghiệp kinh doanh thủy điện niêm yết đạt 20,078 tỷ đồng và gần 2,851 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 11% giảm gần 1% so với kết quả năm 2018.

Kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp thủy điện (hoạt động chính). Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: ViestockFinance

Từ nhiều năm trở lại đây, hiện tượng thời tiết El Nino đã tác gây ảnh hưởng tiêu cực lên miền Trung và Tây Nguyên, làm lượng nước mưa ở các khu vực này thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, dẫn tới lượng nước về hồ thủy điện đạt thấp, sản lượng điện phát lên lưới sụt giảm.

Theo đó, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy điện phải lao đao, điển hình như VSH, VPD, TBC, TMP. Sản lượng sụt giảm đã kéo doanh thu, lợi nhuận các đơn vị này thu hẹp đáng kể so với năm 2018.

El Nino là một dạng thời tiết cực đoan, hậu quả của con người do việc xây dựng nhà cao tầng, chặt phá rừng bừa bãi, hiệu ứng nhà kính,v.v...

Với Việt Nam, El Nino khiến nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường và gây thâm hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trên cả nước. Các chuyên gia khí tượng thủy văn/địa lý nhận định hiện tượng này thường kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần.

Như với Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) dù tình hình quý cuối năm có cải thiện nhờ thủy văn tốt lên nhưng xét cả năm, lãi ròng đơn vị này vẫn giảm 48%, chỉ còn đạt 159 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Hay như Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) và Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) đều chịu chung cảnh lãi ròng 2019 giảm hơn cả trăm tỷ đồng so với năm trước khi mà sản lượng điện sụt giảm mạnh.

Dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận ngành điện là Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) nhờ tình hình thủy văn có chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ. Theo đó, tổng sản lượng điện của Nhà máy Thủy điện A Lưới đạt hơn 494 triệu kWh, kéo theo tổng doanh thu phát điện của nhà máy này đạt tương ứng 516 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018.

Cùng với việc chính thức vận hành thương mại Nhà máy Điện mặt trời Cư Jút (Đắk Nông) đã mang về cho CHP doanh thu gần 124 tỷ đồng trong năm 2019. Lũy kế cả năm 2019, CHP đạt kết quả lãi ròng tăng trưởng đến 125%.

Nhiệt điện và năng lượng tái tạo nắm bắt thời cơ

Trong bối cảnh nhóm thủy điện bị kìm chân, các doanh nghiệp nhiệt điện và điện mặt trời ghi nhận kết quả kinh doanh có phần khả quan hơn.

Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp nhiệt điện (hoạt động chính). Đvt: Tỷ đồng

Năm 2019, Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) đạt kết quả tăng trưởng 15% về doanh thu và 13% về lợi nhuận. Trong khi lợi nhuận từ sản xuất điện của PPC vẫn ổn định, khoản đầu tư vào Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) và Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) tiếp tục ghi nhận hiệu quả theo đà khởi sắc của các đơn vị này.

Sản lượng điện sản xuất qua các năm của PPC. Đvt: Tỷ kWh
Nguồn: VietinBank Securities

Ông lớn Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) có cơ cấu hoạt động khá đa dạng, bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than. Tuy vậy, chủ lực vẫn là những nhà máy nhiệt điện khí.

Kết quả năm 2019, POW đạt doanh thu gần 35,420 tỷ đồng và lãi ròng gần 2,491 tỷ đồng, là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất ngành điện. Trong khi các hồ chứa thủy điện cần thời gian để khôi phục lượng nước do ảnh hưởng thời tiết chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhiệt điện như POW (chiếm 92.7% công suất lắp đặt) gia tăng hiệu suất hoạt động.

Nguồn: POW

Thực tế, nhiều đơn vị dù thủy điện vẫn có tỷ trọng lớn trong doanh thu nhưng mảng nhiệt điện và điện mặt trời lại tạo ra sự đột biến. Chẳng hạn Điện Gia Lai (HOSE: GEG), doanh thu và lợi nhuận của GEG ghi nhận gia tăng 107% và 75% so với năm 2018, chủ yếu đến từ kết quả khả quan của Nhà máy điện mặt trời Phong Điền, Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (vận hành từ quý 4/2018) cũng như các Nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 1, Hàm Phú 2, Trúc Sơn (vận hành từ quý 2/2019).

Hay như chính trường hợp của CHP đã nhắc ở trên, nếu không phát sinh thêm nguồn thu mới từ dự án điện mặt trời Cư Jút thì lãi ròng năm 2019 khó mà đạt thành tích nhất bảng.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã khuyến khích doanh nghiệp điện phát triển các loại hình năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu các vấn đề liên quan đến môi trường. Theo đó, nguồn năng lượng xanh/sạch như năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời có thể là định hướng xa hơn của ngành này.

Lo ngại dịch corona có thể làm giảm tiêu thụ điện do giải ngân vốn FDI chậm lại

Theo đánh giá của CTCK BSC, khả năng tiêu thụ điện năm 2020 khó có thể đặt mức 8.2% như dự báo trước đó. Do tốc độ giải ngân vốn FDI và sản xuất công nghiệp có thể sẽ chậm lại. Trong khi đó, trước diễn biến dịch corona, các ngành hàng sản xuất có thể phải tạm hoãn kế hoạch mở rộng quy mô, làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện.

Tuy vậy, CTCK này nhận định kịch bản giảm khoảng 1 - 1.2% tốc độ tăng trưởng tiêu thụ (nếu xảy ra) cũng có những điểm tích cực như (1) hạ bớt áp lực huy động nguồn điện chạy dầu, giúp EVN tiết kiệm chi phí; (2) giảm áp lực lên hệ thống điện, tránh gây tình trạng hệ thống chạy luôn ở mức công suất cao - dễ xảy ra sự cố và (3) giúp nhu cầu huy động điện trên toàn thị trường điện cạnh tranh đủ cao để các doanh nghiệp phát điện có thể đạt mức giá chào tốt hơn trong cả năm 2020.

Duy Na

FILI