Dow Jones rớt hơn 100 điểm khi số ca nhiễm virus corona nhảy vọt

Dow Jones rớt hơn 100 điểm khi số ca nhiễm virus corona nhảy vọt

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Năm (13/02), rút khỏi các mức cao kỷ lục, khi nhà đầu tư khó khăn tiếp nhận số ca nhiễm virus corona được báo cáo nhảy vọt và khả năng tác động của virus đến nền kinh tế, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones rớt 128.11 điểm (tương đương 0.4%) xuống 29,423.31 điểm. Chỉ số S&P 500 mất gần 0.2% còn 3,373.94 sau khi chạm mức cao kỷ lục hồi đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.1% xuống 9,711.97 điểm. Chỉ số này cũng chạm mức cao kỷ lục trong phiên trước khi quay đầu suy giảm vào cuối phiên.

Cổ phiếu Microsoft mất 0.5% sau khi khiến Dow Jones suy giảm. Tuy nhiên, cổ phiếu Cisco Systems mới có thành quả tồi tệ nhất thuộc Dow Jones. Lĩnh vực công nghiệp lùi 0.7% và giảm mạnh nhất trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500. Lĩnh vực y tế cũng rớt 0.5%.

Cổ phiếu United và American Airlines đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu Wynn Resorts và Las Vegas Sands – 2 cổ phiếu đại diện cho ảnh hưởng của dịch COVID-19 do sự tiếp xúc với Trung Quốc – đều sụt hơn 2%.

Trung Quốc đã xác nhận có 15,152 ca nhiễm mới và 254 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 1,367 người và tổng số người nhiễm virus vọt lên gần 60,000 người, theo báo cáo từ Chính phủ Trung Quốc.

Sự nhảy vọt số ca nhiễm là do các Chính quyền Trung Quốc đang thống kê. Các nhà chức trách y tế ở tỉnh Hồ Bắc cho biết trong ngày thứ Năm rằng họ đã thay đổi cách tính tổng số trường hợp – các trường hợp được chẩn đoán lâm sàn hiện cũng tính vào số ca nhiễm xác nhận, dẫn đến sự gia tăng đột biến của những trường hợp sau.

Chứng khoán Mỹ cũng thể hiện thành quả tốt hơn trong đợt bùng phát virus corona so với các dịch bệnh khẩn cấp y tế toàn cầu khác.

Trong suốt thời gian xảy ra dịch SARS hồi đầu những năm 2000, S&P 500 đã sụt gần 13%. Chỉ số này cũng mất gần 6% trong đợt dịch Ebola năm 2014. Cho đến nay, S&P 500 thực sự đã tăng kể từ khi virus corona bùng phát.

Có nhiều lo ngại Trung Quốc có thể báo cáo thấp hơn số ca nhiễm virus thực tế ở nước này. Một quan chức cao cấp của Chính quyền ông Trump nói với hãng tin CNBC rằng “Mỹ không có sự tin tưởng cao đối với thông tin của Trung Quốc”. Quan chức này cũng nói thêm rằng “Trung Quốc tiếp tục từ chối lời đề nghị hỗ trợ của Mỹ”.

Keith Buchanan, Quản lý danh mục tại GLOBALT, cũng lưu ý rằng thị trường trái phiếu đã bị biến động hơn vì virus corona so với thị trường chứng khoán.

Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lùi từ 1.85% cách đây 1 tháng xuống 1.6%.

Các chỉ số chứng khoán chính đã rút khỏi các mức cao mọi thời đại khi nhà đầu tư cố gắng rũ bỏ sự không chắc chắn về dịch COVID-19. Dow Jones đã vọt hơn 200 điểm vào ngày thứ Tư (12/02), còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0.7% và 0.9%.

Ngoài ra, về mặt dữ liệu kinh tế, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã tăng nhẹ, nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ - một thước đo lạm phát được theo dõi rộng rãi – đã tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước.

An Trần

FILI