Dow Jones mất hơn 100 điểm sau đợt bán tháo bất ngờ giữa phiên

Dow Jones mất hơn 100 điểm sau đợt bán tháo bất ngờ giữa phiên

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Năm (20/02), với phần lớn đà sụt giảm đến từ một động thái bất ngờ lúc giữa phiên, CNBC đưa tin.

Các nhà đầu tư không thể xác định được yếu tố xúc tác cho sự sụt giảm đột ngột này. Tuy nhiên, một số yếu tố kỹ thuật nổi bật đã bị phá vỡ cùng với tâm lý né tránh rủi ro gia tăng xuất phát từ lo ngại dịch COVID-19 sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones rớt 128.05 điểm (tương đương 0.4%) xuống 29,219.98 điểm. Chỉ số này đã sụt khoảng từ 200 điểm đến 388 điểm xuống đáy trong phiên trong khoảng 2 phút trước khi hồi phục. Chỉ số S&P 500 lùi 0.4% xuống 3,373.23 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.7% còn 9,750.96 điểm.

Một số nhà đầu tư chỉ ra do từ một báo cáo từ tờ báo Global Times của Nhà nước Trung Quốc, vốn nói rằng có sự gia tăng mạnh số ca nhiễm virus corona tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Mặc dù thời điểm của câu chuyện không khớp với đà giảm điểm trong ngày thứ Năm, nhưng nó lại chạm nỗi lo ngại của thị trường về dịch COVID-19 đang gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu.

Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 2%. Cổ phiếu Intel có thành quả tồi tệ nhất thuộc Dow Jones, sụt 2.5%. Cổ phiếu Apple mất 1%.

Nhóm cổ phiếu xu thế (Momentum stocks) – được đặc trưng bởi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao – đã dẫn đầu đà tăng của thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, vào ngày thứ Năm, chứng chỉ quỹ iShares Edge MSCI USA Momentum ETF (MTUM) đã giảm 0.4%. Dẫu vậy, MTUM đã vọt 8.7% từ đầu năm đến nay.

Các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như trái phiếu và vàng tiếp tục tăng giá vào ngày thứ Năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống 1.52%, dao động quanh mức đáy trong phiên. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều so với giá. Giá vàng tiến lên đỉnh 7 năm, cộng 0.5% lên 1,620.50 USD/oz.

Vào ngày thứ Tư (19/02), Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo hiện có 74,576 ca nhiễm virus corona được xác nhận, với 2,118 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục. Số ca nhiễm virus cũng tăng lên ở Hàn Quốc. Nước này xác nhận số ca nhiễm đã vọt lên 82 người, nhiều hơn gấp đôi số trước đó.

S&P Global Ratings đã cảnh báo trong một báo cáo vào ngày thứ Năm rằng những người cho vay ở Trung Quốc có thể bị thiệt hại đến 1.1 ngàn tỷ USD trong các khoản vay còn nhiều nghi vấn khi dịch COVID-19 làm chao đảo nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi, Goldman Sachs nói rằng các thị trường đang đánh giá thấp khả năng suy thoái từ dịch bệnh này, cho thấy “rủi ro của sự điều chỉnh là rất cao”.

Hồi đầu phiên, một quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã dội gáo nước lạnh vào những kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ nới lỏng từ Cơ quan này.

“Định giá của thị trường về việc cắt giảm lãi suất có một chút khó khăn”, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nói với CNBC. Ông Clarida  lưu ý rằng hầu hết các chuyên gia kinh tế không kỳ vọng giảm lãi suất sớm từ Fed.

Nhà đầu tư đang dự báo Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất 1 đợt trong năm nay, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy kỳ vọng lãi suất thấp xuất hiện khi nhà đầu tư đối mặt với sự bùng phát COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến kinh tế toàn cầu.

An Trần

FILI