Doanh nghiệp nào có EPS tăng trưởng cao 4 năm liên tiếp?

Doanh nghiệp nào có EPS tăng trưởng cao 4 năm liên tiếp?

EPS (Earning Per Share) là lợi nhuận (thu nhập) tính trên 1 cổ phiếu. Chỉ số EPS được các nhà phân tích sử dụng như chỉ báo về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng EPS ổn định ở mức cao luôn được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Những doanh nghiệp có EPS tăng trưởng cao 4 năm liên tiếp

Chỉ 7 doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng EPS trên 10% trong 4 năm liên tiếp gần đây, theo dữ liệu thống kê của Vietstock, gồm Nam Việt (HOSE: ANV), Đầu Tư và Phát triển Đô Thị Dầu khí Cửu Long (HOSE: CCL), Địa ốc First Real (HOSE: FIR), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HOSE: HDB), Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW), Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) và Bia Sài Gòn - Miền Trung (HOSE: SMB). Trong đó, PDR là doanh nghiệp duy nhất có tỷ lệ tăng trưởng EPS trên 10% trong 5 năm liên tiếp. Ngoài ra, còn thêm 19 doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng EPS trên 10% trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

Hầu hết doanh nghiệp này có P/E 2019 nhỏ hơn P/E chung toàn thị trường (khoảng 15 lần) và chỉ số ROE trên 15%.

Nhiều doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng không phải tất cả

Chỉ số tài chính tương đối tốt nên hầu hết doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng khá tốt, nhưng không phải tất cả.

Trong 7 doanh nghiệp nói trên, 5 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng trong năm 2019, từ 25-202%, nhưng cũng có 2 doanh nghiệp có giá cổ phiếu giảm, với mức giảm nhẹ từ 9-15%.

Xét trong 4 năm (từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2019), 6 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng (với mức tăng khá tốt từ 169-580%), chỉ 1 doanh nghiệp có giá cổ phiếu đi xuống là HDB (giảm hơn 13%).

Nhà đầu tư cần quan tâm gì ngoài EPS?

EPS được xem là biến số quan trọng khi tính toán giá cổ phiếu và đóng vai trò quan trọng cấu thành hệ số P/E. EPS càng cao phản ánh năng lực kinh doanh của doanh nghiệp càng mạnh, khả năng trả cổ tức là cao và giá cổ phiếu cũng có xu hướng tăng cao. Tỷ lệ tăng trưởng EPS [(EPS1 – EPS0)/EPS0] là tiêu chí để đánh giá chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, khi chọn cổ phiếu, nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào EPS mà cần lọc thêm các tiêu chí khác như P/E, ROE, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, dòng tiền,… cùng với việc tiến hành phân tích kỹ thuật.

Quan trọng nhất, nhà đầu tư hãy đánh giá xem trong 6-12 tới, doanh nghiệp này có khả năng tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận hay không.

Gia Nghi

FILI