Dầu WTI lao dốc hơn 16%/tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ

Dầu WTI lao dốc hơn 16%/tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ

Tuần qua, dầu WTI lao dốc hơn 16%, dầu Brent sụt gần 14%

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (28/02), trong đó dầu WTI lao dốc hơn 16% trong tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 11 năm, với sự lây lan dịch COVID-19 trên thế giới được dự báo sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu dầu thô, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex mất 2.33 USD (tương đương 5%) còn 44.76 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên hơn 16%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/12/2008, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Trong tháng qua, hợp đồng này đã sụt 13%.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn lùi 1.66 USD (tương đương 3.2%) xuống 50.52 USD/thùng và lao dốc gần 14% từ đầu tuần đến nay, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 15/01/2016. Trong tháng 02/2020, dầu Brent đã giảm hơn 13%.

Cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều khép phiên tại mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Các chuyên gia phân tích cho rằng đà sụt giảm càng làm tăng áp lực lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh khi nhóm này chuẩn bị tổ chức cuộc họp vào tuần tới để thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu. Các nhà sản xuất dầu sẽ nhóm họp ở Vienna vào ngày 05-06/03/2020.

“Nga đã đưa ra nhiều ý kiến ủng hộ muộn hơn, trong khi Ả-rập Xê-út đã tuyên bố ủng hộ việc cắt giảm nhiều hơn để chống lại nhu cầu bị mất do dịch COVID-19”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định. “Ả-rập Xê-út cũng thông báo cắt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc 500,000 thùng/ngày, mặc dù con số đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu bị mất”.

Các báo cáo mới vào ngày thứ Sáu cho hay các thành viên OPEC chủ chốt đang tìm kiếm ủng hộ cho việc cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến trước đó.

Một ủy ban kỹ thuật gồm đại diện của các thành viên OPEC cùng với các đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+, trước đó đã khuyến nghị mở rộng cắt giảm hiện tại là 1.7 triệu thùng/ngày đến cuối năm, và đề xuất thực hiện cắt giảm thêm sản lượng cho đến cuối quý 2/2020. Thông cáo báo chí của ủy ban đã không đề cập đến quy mô cắt giảm thêm, nhưng được nhiều báo cáo cho biết đề nghị cắt giảm thêm 600,000 thùng/ngày.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 3 lùi 1.1% xuống 1.3955 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 nhích 0.09% lên 1.4906 USD/gallon. Các hợp đồng giao tháng 3 đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Sáu.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng sụt 3.9% xuống 1.684 USD/MMBtu.

An Trần

FILI